Mỹ: Lập hồ sơ giả nhận tiền cứu trợ COVID-19 mua xe sang Ferrari, Bentley và Lamborghini
Theo tờ USA Today, người đàn ông sống tại Nam California bị bắt với cáo buộc đã cố tình làm giả hồ sơ để nhận hàng triệu USD tiền cứu trợ COVID-19 để mua 3 chiếc xe hơi hạng sang, chi trả cho những chuyến du lịch xa hoa và mua sắm thoải mái.
Mustafa Qadiri, 38 tuổi, đã trục lợi được khoảng 5 triệu USD từ Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) nhằm hỗ trợ cho 1,6 triệu doanh nghiệp nhỏ của chính phủ Mỹ nhờ khai báo sở hữu tới 4 doanh nghiệp ở Newport Beach, và tất cả đều là doanh nghiệp “ma” không hề tồn tại.
Nhà chức trách đã thu giữ 3 chiếc xe ô tô cùng 2 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của đối tượng
Tháng 5 và tháng 6/2021, Qadiri đã nộp hồ sơ xin được trợ cấp từ Chương trình bảo vệ tiền lương cho 4 doanh nghiệp gồm: American Lending Inc., All American Capital Holdings Inc., RadMediaLab Inc., và Ad Blot Inc. Văn phòng Tổng chưởng lý California cho biết, hồ sơ các công ty này rất đầy đủ từ giấy tờ hoàn thuế, tài khoản ngân hàng và chủ sở hữu. Khi nhận được tiền trợ cấp, Qadiri ngay lập tức vung tay mua sắm, đi nghỉ dưỡng và mua liền 3 xe thể thao.
Qadiri ra đầu thú và nhà chức trách đã thu giữ 3 chiếc xe ô tô cùng 2 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của đối tượng.
Các Chương trình bảo vệ tiền lương giúp các doanh nghiệp bảo vệ dòng tiền mặt thông qua các khoản vay được chính quyền liên bang bảo đảm 100%. Đối tượng là các chủ lao động vẫn tiếp tục trả lương cho nhân công trong giai đoạn khẩn cấp. Nếu chủ lao động vẫn trả lương cho nhân công, thì sẽ được vay vốn không cần hoàn trả. Qua đó, nhằm giúp các doanh nghiệp giữ chân nhân viên của họ, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sa thải hàng loạt lao động.
Chương trình bảo vệ tiền lương mà Qadiri trục lợi được là một phần dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 3/2020 nhằm đưa nền kinh tế vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp gồm: Các doanh nghiệp có quy mô ít hơn 500 nhân viên; Hộ kinh doanh cá thể; Những nhân viên làm việc hợp đồng thời vụ; Những người làm nghề tự do, tài xế Uber hay Lyff và ngoại lệ bao gồm các doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ lưu trú và cung cấp thực phẩm. Giá trị khoản vay sẽ gấp 2,5 lần số tiền mà chủ doanh nghiệp chi trả lương mỗi tháng, tối đa là 10 triệu USD
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Mỹ cho biết hơn 8,2 triệu khoản vay trong Chương trình này đã được thông qua kể từ ngày 21/3 và đến nay các doanh nghiệp đã nhận được hơn 718 tỷ USD.
Tuy nhiên, có không ít người nhân cơ hội này đã làm giả hồ sơ để xin được trợ cấp. Theo tờ Los Angeles Times, nhà chức trách California cho biết có ít nhất 11 tỷ USD rơi vào tay những kẻ trục lợi.
Thu Thắm
Xem thêm: Mỹ bắt đầu giải ngân gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế hồi phục