Trung Quốc sẵn sàng 'thả phao cứu sinh' cho Sri Lanka

Lê Thị Xuân Phương 20:22 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng trợ giúp khẩn cấp cho Sri Lanka trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập kỷ đang diễn ra.

Lời đề nghị được Trung Quốc đưa ra sau khi quốc gia Nam Á phải triển khai quân đội để dập tắt đám đông biểu tình, bạo loạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

“Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng giúp Sri Lanka ổn định phát triển kinh tế và xã hội theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (22/4) với Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. 

Hồi đáp người đồng cấp Trung Quốc, Thủ tướng Rajapaksa cho biết ông đánh giá cao sự hỗ trợ đắc lực của Trung Quốc khi Sri Lanka gặp khó khăn.  Ông nói thêm rằng Sri Lanka sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán một hiệp định thương mại tự do và tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm tài chính, thương mại và du lịch.

Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu ở Sri Lanka đang ngày càng trầm trọng trong khi chi phí sinh hoạt, lạm phát tăng cao dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ kéo dài những tuần vừa qua. Người dân đồng loạt xuống đường yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ra lệnh triển khai quân đội để giải tán đám đông biểu tình. 

Palitha Kohona, quan chức ngoại giao của Sri Lanka tại Bắc Kinh, cho rằng cam kết hỗ trợ vững chắc của Trung Quốc sẽ đóng góp đáng kể cải thiện tình hình. Phía Sri Lanka cũng sẵn sàng đối phó với thách thức chưa từng có bằng nhiều biện pháp, bao gồm cả việc đàm phán với IMF cho các khoản viện trợ.

Ông Kohona kỳ vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính 2,5 tỷ USD cho Sri Lanka. Nhà ngoại giao này cho biết ông đã nhận được sự cam kết từ các nhà chức trách Trung Quốc về thỏa thuận các khoản vay và hạn mức tín dụng. 

Sri Lanka đang tìm cách vay 1 tỷ USD từ Bắc Kinh để trả các khoản vay hiện có đến hạn vào tháng 7, cũng như hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để mua hàng hóa từ nền kinh tế số hai thế giới, chẳng hạn như hàng dệt may để hỗ trợ ngành xuất khẩu may mặc.