Mỹ phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh với 2 tướng Myanmar

12:44 | 23/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ hiện thực hóa tuyên bố về hành động cứng rắn với quân đội Myanmar bằng cách phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh với hai tướng trong Hội đồng Hành chính Nhà nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 22/2 công bố lệnh trừng phạt nhằm vào tư lệnh không quân Myanmar Maung Maung Kyaw và tướng Moe Myint Tun, hai thành viên trong Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar. Tài sản tại Mỹ của hai tướng Myanmar sẽ bị đóng băng đồng thời họ bị cấm nhập cảnh vào nước này.
 
"Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động mạnh hơn nhằm vào những người gây ra bạo lực và trấn áp ý chí của người dân. Chúng tôi sẽ không ngừng ủng hộ người dân Myanmar. Mỹ kêu gọi quân đội và cảnh sát ngừng mọi cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình, lập tức thả những người bị bắt trái phép và khôi phục chính quyền dân cử", Ngoại trưởng Blinken cho biết trong thông cáo.
 
“Quân đội phải đảo ngược các hành động của mình và khẩn trương khôi phục chính phủ dân cử ở Myanmar, nếu không, Bộ Tài chính sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động khác”, Reuters dẫn lại tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.
 
Mỹ phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh với 2 tướng Myanmar
Người dân Myanmar xuống đường biểu tình hôm 22/2
 
Quyết định của Mỹ được công bố chỉ vài giờ sau khi Liên minh châu Âu cũng phê duyệt các biện pháp trừng phạt quân đội Myanmar. Ngoài Mỹ, nhiều nước phương Tây thời gian qua lần lượt lên tiếng bày tỏ quan điểm phản đối cuộc đảo chính quân sự và bắt giữ nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền dân cử tại Myanmar xảy ra hôm 1/2.
 
Theo Hãng tin Reuters, ngày 18/2, cả Anh và Canada cũng công bố các lệnh trừng phạt liên quan dành cho Myanmar. London cho biết sẽ phong tỏa tài sản và cấm đi lại với ba tướng quân đội, trong khi Ottawa nói sẽ áp trừng phạt với 9 quan chức quân đội Myanmar.
 
"Cùng với các đồng minh quốc tế, chúng tôi sẽ buộc quân đội Myanmar chịu trách nhiệm vì những vi phạm nhân quyền và sẽ theo đuổi quá trình đòi lại công lý cho nhân dân Myanmar", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của ngoại trưởng Anh, ông Dominic Raab.
 
Nước Anh cũng đã trừng phạt nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing, với cáo buộc ông này vi phạm nhân quyền chống lại cộng đồng người Hồi giáo Rohingya và các tộc người thiểu số khác tại Myanmar.
 
Suốt 3 tuần qua, hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường mỗi ngày để biểu tình phản đối đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội.

Ít nhất ba người đã thiệt mạng do trúng đạn từ lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình, trong khi quân đội Myanmar thông báo một sĩ quan cảnh sát cũng tử vong vì vết thương quá nặng khi đụng độ người biểu tình ở Mandalay.

Nhiều doanh nghiệp ở Myanmar đã đóng cửa vào ngày 22/2 trong cuộc tổng tình công để phản đối vụ chính biến.

Đến nay, chính quyền quân sự của Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái gây sức ép của cộng đồng quốc tế.
 
Bà Aung San Suu Kyi bị cảnh sát Myanmar cáo buộc nhập khẩu trái phép bộ đàm và vi phạm luật quản lý thiên tai, vẫn chưa xuất hiện trước công chúng từ khi bị bắt.

Luật sư cho hay bà đã gặp một thẩm phán qua cuộc gọi video nhưng các luật sư không thể tham dự vì chưa được cấp giấy ủy quyền. Cố vấn Nhà nước Myanmar dự kiến xuất hiện trong phiên điều trần ngày 1/3.
 
 
Hà Ly