Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, châu Âu và IAEA liên tục thúc giục

11:05 | 19/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chấp nhận lời mời từ Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia một cuộc gặp với tất cả các bên tham gia JCPOA, sẵn sàng đàm phán quay trở lại thoả thuận hạt nhân với Iran.
Ngày 18/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về việc quay trở lại thoả thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với Iran, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
 
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chấp nhận lời mời từ Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia một cuộc gặp với tất cả các bên tham gia JCPOA.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu trong một tuyên bố: "Mỹ sẽ chấp nhận lời mời từ Đại diện cấp cao của EU để tham gia một cuộc gặp giữa nhóm P5+1 và Iran, nhằm thảo luận về giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Tehran".
 
Diễn biến mới việc nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
Công trình lò phản ứng thứ hai tại nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran. (Ảnh: AP)
 
Mỹ chưa tham gia một cuộc gặp nào của nhóm P5+1 kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA hồi năm 2018 và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
 
Cùng ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với các đồng minh châu Âu, rằng Washington chuẩn bị đàm phán với Iran về việc cả hai nước quay lại tuân thủ Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015.

Các nước châu Âu hoan nghênh ý định quay lại đàm phán ngoại giao với Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tại cuộc thảo luận chung cùng với Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức diễn ra tại Paris và qua trường truyền video với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngoại trưởng bốn nước khẳng định mục tiêu chung của họ là đưa Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015.

Trong cuộc thảo luận, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại rằng, như Tổng thống Biden đã nói, nếu Iran trở lại tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của mình theo Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015, Mỹ cũng sẽ làm như vậy và sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran về mục tiêu đó.

Anh, Pháp và Đức, gọi tắt là E3, và Mỹ kêu gọi Iran không thực hiện thêm bất kỳ bước nào liên quan đến việc đình chỉ Nghị định thư bổ sung và bất kỳ giới hạn nào đối với hoạt động xác minh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Iran.

Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo không được dỡ bỏ trong những ngày tới.
 
Trên mạng xã hội Twitter, Trợ lý đặc biệt phụ trách các vấn đề quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Amir Abdollahian cho biết Mỹ và 3 nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ chỉ còn thời hạn 4 ngày tới để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
 
Theo ông Abdollahian, nếu lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ thì Iran sẽ ngừng thực hiện Nghị định thư bổ sung của IAEA. Quan chức này khẳng định Tehran sẽ không chờ đợi những “lời hứa suông” của Mỹ và 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức.
 
Ông Abdollahian cũng nhắc lại kế hoạch hành động chiến lược của Quốc hội Iran, trong đó yêu cầu chính phủ nước này phải chấm dứt quyền thanh tra toàn diện các cơ sở hạt nhân đã cấp cho IAEA, trong trường hợp chính quyền mới của Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.
 
Diễn biến mới việc nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
 Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ tới Tehran vào ngày 20/2 tới để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Iran.
 
Trong một diễn biến khác, Thông báo mới nhất của IAEA nêu rõ: “Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ tới Tehran vào ngày 20/2 để thảo luận kỹ thuật với Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran về khả năng hai bên tiếp tục hợp tác theo những điều khoản mới”.

Ngày 17/2, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẵn sàng đối thoại với người đứng đầu IAEA, trước thời hạn chót vào tuần tới, vốn được các nhà lập pháp nước này đặt ra về việc đình chỉ một số hoạt động thanh sát hạt nhân tại Iran.
 
Tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật, bắt buộc chính phủ phải kiên quyết với lập trường hạt nhân của mình. Với đạo luật này, Tehran sẽ chấm dứt quyền thanh tra của IAEA kể từ ngày 21/2, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Iran bắt đầu vi phạm các điều khoản từ năm 2019 để phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện lâm vào tình trạng bế tắc với chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc bên nào nên hành động trước để cứu thỏa thuận.
 
Iran đã đặt thời hạn vào tuần tới để Tổng thống Biden bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền tiền nhiệm áp đặt, hoặc Tehran sẽ ngăn cản các cuộc thanh sát trong thời gian ngắn mà IAEA được phép tiến hành theo Nghị định thư bổ sung.
 
 
Hà Ly