Mỹ sẽ sớm cho phép mở các chuyến bay thẳng từ Việt Nam
Đường bay thẳng này được cho là phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng lớn giữa hai nước. Các hành khách đi lại giữa Việt Nam và Mỹ hiện phải quá cảnh ở một số nước và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không của Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ trung bình 16%/năm từ năm 2010 tới 2017.
Một số hãng hàng không Việt Nam cũng là những khách hàng lớn của các tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới như Boeing và Airbus.
Việt Nam hiện chưa có xếp hạng của FAA. Trong khi đó, Thái Lan từng được xếp hạng loại 1, nay đang tìm cách giành lại vị trí này sau khi bị hạ cấp xuống loại 2.
Tiêu chuẩn giám sát an toàn hàng không của FAA là một trong những chỉ số nhằm đánh giá hãng hàng không của một nước có đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, chuyên môn kỹ thuật, giám sát kỹ thuật…
Khi được FAA cấp phép loại 1 thì hãng hàng không của một nước mới có thể được phép mở đường bay thẳng tới Mỹ.
Đánh giá về việc Mỹ sẽ sớm xếp hạng loại 1 cho Việt Nam, cho phép mở các chuyến bay thẳng giữa hai nước, trước đó, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, FAA sẽ đến nước ta trong tháng 8 này để đánh giá về an toàn hàng không đối với Việt Nam, mở ra cơ hội để các hãng trong nước mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Theo ông Cường, để được bay đến Mỹ, nhà chức trách hàng không của quốc gia khác phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như quy chế an toàn của FAA.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam phải được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Sau khi đạt CAT 1, Cục Hàng không sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn thực hiện của Việt Nam; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giám sát an toàn hàng không, cơ sở dữ liệu an toàn; công tác lập kế hoạch và quy trình thực hiện giám sát an toàn hàng không; xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo cả số lượng và chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện giám sát viên từ cơ bản đến nâng cao; xây dựng kế hoạch, chương trình để có thể kiểm soát toàn bộ công việc, kết quả làm việc của giám sát viên…
Sau đó, các hãng hàng không Việt Nam mới có quyền đề nghị Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ xem xét đánh giá năng lực tổ chức khai thác đảm bảo an ninh an toàn hàng không của hãng.
Theo vị Phó Cục trưởng Cục Hàng không, khi đường bay đến Mỹ được thông, các hãng hàng không Việt có thể bay trực tiếp hoặc trường hợp gián tiếp là hợp tác liên danh với các hãng hàng không khác như bán vé Vietnam Airlines đi trên chuyến bay của các hãng khác Đài Loan, Hoa Kỳ… nhưng phải được sự đồng ý của FAA thì khách mới có thể đi trên chuyến bay của các hãng đó.
Hiện các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, hàng không giá rẻ Vietjet và hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways đều bày tỏ sự quan tâm tới việc mở đường bay thẳng trực tiếp tới Hoa Kỳ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines có kế hoạch mở đường bay tới Mỹ vào cuối năm 2019. Các chuyến bay thẳng đến Los Angeles hoặc San Francisco sẽ phục vụ nhu cầu của một lượng lớn người Việt Kiều sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Thừa nhận đường bay này cũng mang lại nhiều thách thức cho Vietnam Airlines, ông Thành nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của Vietnam Airlines là làm sao để đảm bảo hiệu quả đường bay có lãi trong bối cảnh đường bay dài, nhiều cạnh tranh, chi phí đầu tư lớn.
“Do đó, Vietnam Airlines đã và đang tích cực chuẩn bị về mặt thị trường, khai thác và nguồn lực,” Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định.