Mỹ trở thành cường quốc đào tiền ảo Bitcoin

13:00 | 18/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ đã vượt mặt Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 về khai thác Bitcoin, sau khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt các giao dịch và thu lợi nhuận từ tiền điện tử.

Mỹ từng là trung tâm sản xuất Bitcoin hàng đầu thế giới, nhưng bị mất vị thế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ mọi thứ đang dần trở về nơi khởi đầu. 

Dữ liệu từ nghiên cứu từ Đại học Cambridge (Anh) cho biết, thị phần của Trung Quốc trong "sức mạnh" tính toán, giải thuật toán của các máy tính được kết nối với mạng Bitcoin toàn cầu, đã giảm xuống 0% vào tháng 7 năm nay, từ mức 44% vào tháng 5 và 75% vào năm 2019.

Hình ảnh của mỏ đào Bitcoin tại thị trấn Rockdale, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AFP.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước này cấm mọi hoạt động khai thác và kinh doanh Bitcoin, trong bối cảnh giới chức nước này trong thời gian dài đã quan ngại về những rủi ro tài chính từ các loại tiền điện tử. Giờ đây, các thợ đào phải đóng cửa hoặc chuyển địa điểm khai thác ra nước ngoài. 

Hoạt động khai thác tại nhiều quốc gia khác được ghi nhận là tiếp tục diễn ra chậm trễ do các nhà sản xuất thiết bị chuyển hướng sang Bắc Mỹ và Trung Á. Trong khi đó, hàng loạt công ty khai thác lớn ở Trung Quốc phải rời đi và đang gặp khó khăn trong quá trình di chuyển.

Trong bối cảnh đó, Mỹ đã vươn lên dẫn đầu thị phần với chỉ số hashrate (chỉ số về năng lực khai thác) 35,4% trong tháng 8, xếp sau đó là Kazakhstan và Nga. 

Được biết, Chính phủ nước Mỹ vẫn ủng hộ việc khai thác các Bitcoin bất chấp hành động này cần dựa trên các hệ thống máy tính công suất cao và tiêu tốn nhiều điện năng, ngược lại với động thái cấm đoán, đề ra quy định nghiêm ngặt hơn về việc khai thác và giao dịch Bitcoin hồi tháng trước. của Trung Quốc. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là lo ngại vấn đề khai thác tiền điện tử sẽ gây ảnh hưởng đến các mục tiêu môi trường cũng như tiêu tốn quá nhiều điện. Vào năm 2019, Trung Quốc từng là địa điểm chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới.

Ngoài Mỹ, Kazakhstan hiện cũng đang điểm đến của các thợ đào tiền ảo. Thông tin từ Coindesk cho hay, Kazakhstan - nước láng giềng của Trung Quốc đang là điểm đến lý tưởng bởi giá điện rẻ hơn hẳn. Các mỏ than Kazakhstan đem đến nguồn năng lượng dồi dào, giá rẻ. Việc di chuyển thiết bị qua biên giới Trung Quốc sang Kazakhstan cũng không quá khó khăn.

Thậm chí, tại quốc gia này pháp luật còn cho phép việc khai thác tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng, vào tháng 9/2020 Chính phủ Kazakhstan đã thông qua luật cho phép khai thác tiền số. Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số Bagdat Mussin đã công bố chiến lược dài 3 năm với mục tiêu thu hút 714 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực này.

Mỹ có thật sự là miền đất hứa?

Hiện tại ở Mỹ, một loạt các bang lớn đang bật đèn xanh cho khai thác tiền số. Bang Texas (Mỹ) rất ủng hộ tiền điện tử. Đây là nơi có giá điện thuộc loại thấp trên thế giới. Để mở một công ty đào tiền điện tử tại đây, chỉ cần 30 - 40 triệu USD là có thể lập nghiệp.

Mới đây, bang Kentucky (Mỹ) cũng vừa thông qua luật giảm thuế cho thợ đào tiền điện tử. Chỉ cần đầu tư hơn 1 triệu USD vào thiết bị là được hưởng ưu đãi năng lượng sạch. Thống đốc bang Kentucky hy vọng việc thu hút những thợ đào coin sẽ giúp tăng doanh thu và cơ hội việc làm cho những người dân bang này.

Thị trưởng thành phố Miami, bang Florida (Mỹ), cũng từng úp mở sẽ cung cấp năng lượng hạt nhân giá rẻ cho các thợ đào tiền điện tử. Miami còn xem xét ưu đãi thuế cho hoạt động khai thác tiền mã hóa.

Giới chuyên gia cho rằng khả năng bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ ở Mỹ là một trong những lý do thu hút thợ đào, bên cạnh lợi thế về giá điện rẻ và chính sách ưu đãi thợ đào tại một số bang. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển được cho sẽ không kéo dài khi các nước Bắc Âu có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào với giá rẻ, cùng khí hậu lạnh dễ làm mát những cỗ máy phải hoạt động không ngừng nghỉ.

Bên cạnh đó, các nhà hoạt động môi trường cũng chỉ trích sự gia tăng hoạt động đào tiền ảo ở Mỹ khi lượng điện tiêu thụ hàng năm của ngành này nhiều hơn cả Philippines. Nhiều người phản đối vì lo ngại các mỏ đào Bitcoin đang dựa vào nguồn năng lượng carbon, đang là nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Chad Everett Harris, CEO mỏ đào Whinston thuộc công ty Riot Blockchain lại phản đối những báo buộc trên: "Thật khó tưởng tượng khi nhiều người cho rằng chúng tôi đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường. Phần lớn năng lượng được lấy từ mạng lưới của hệ thống điện lực Texas (ERCOT) và chúng đặc biệt thân thiện với môi trường". 

Dữ liệu năm 2020 của ERCOT cho thấy 46% nguồn cung năng lượng đến từ khí tự nhiên, 25% từ điện gió và điện Mặt trời, còn lại lượng năng từ than chỉ chiếm 18%. 

Theo bà Viktoriya Zotova, giáo sư kinh doanh tại Đại học Georgetown của Mỹ, cho rằng giá điện mà thợ mỏ phải trả đang yếu tố tiên quyết. Ở một số bang như Texas đang được nhắm đến bởi thị trường điện không do chính quyền điều phối, cho phép các công ty đưa ra những điều khoản mềm dẻo hơn. "Về cơ bản, thợ mỏ có thể mua điện khi giá rẻ và ngừng mua khi giá tăng lên", vị giáo sư nói.