Năm 2018: Thu NSNN vượt 7,8%, giải ngân vốn đầu tư XDCB chậm chuyển biến

18:57 | 09/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nội dung trong “Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019” của Bộ Tài chính, do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ, chiều 9/1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-NSNN năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2019.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2018 được triển khai trong bối cảnh kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, song cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, cả từ môi trường quốc tế và trong nước.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; với quyết tâm cao, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thu NSNN vượt 103,5 nghìn tỷ đồng

Năm 2018 thu NSNN vượt so với dự toán với tỉ lệ khá cao so với nhiều năm gần đây. Tính đến hết 31/12/2018, thu cân đối NSNN ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7,8%) so dự toán (trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỉ lệ động viên đạt 25,7%GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1%GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21%GDP).

Năm 2018: Thu NSNN vượt 7,8%, giải ngân vốn đầu tư XDCB chậm chuyển biến - ảnh 1
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị. 
Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện.

Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP).

 Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro. Ước tính đến 31/12/2018, dư nợ công dưới 61%GDP, dư nợ Chính phủ dưới 52%GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 49,7%GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Vốn giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 67,6% dự toán

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác giải ngân vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán.

Nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với NHNN để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác điều hành thị trường tài chính và thị trường tiền tệ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc tập trung quản lý các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi của NSNN; điều hòa luồng tiền ngoại tệ giữa NSNN với NHNN; tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng, lãi suất và thời điểm phát hành phù hợp, kết hợp với điều hành sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, qua đó vừa đáp ứng được yêu cầu huy động vốn cho NSNN, vừa góp phần thực thi chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ

“Báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019” chỉ rõ: Năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công; tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Năm 2018: Thu NSNN vượt 7,8%, giải ngân vốn đầu tư XDCB chậm chuyển biến - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại NSNN đã đề ra; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm.

Tập trung hoàn thiện thể chế theo kế hoạch đã đề ra; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đã đề ra.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Chủ động hội nhập tài chính quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực, quốc tế; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường.