Năm 2020: Kiểm soát CPI sẽ khó khăn hơn
Trước khi nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức về kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2020, các chuyên gia đều chia sẻ năm 2019 là một năm thành công trong kiểm soát lạm phát.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: GDP năm 2019 ước tính tăng 7,02% so với năm 2018 (mức tăng trưởng này tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011 - 2017).
Cùng với đó, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018 (đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%). Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua (2017 - 2019). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018.
Trước kết quả khả quan của chỉ số giá trong năm 2019, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Năm 2019, có 9 yếu tố gây áp lực tăng giá gồm giá nhiên liệu, giá thịt lợn, giá các dịch vụ y tế, giáo dục, giá bất động sản. Còn những yếu tố góp phần tác động và kiềm chế chỉ số CPI là nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là chính sách tiền tệ trong nước vẫn đang được điều hành ổn định.
Tuy nhiên, với việc “tăng sốc” của giá thịt lợn do nguồn cung sụt giảm và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong năm 2020, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Khi kinh tế 2019 là bức tranh sáng, thì kinh tế 2020 liệu có tiếp tục đà bứt phá hay không và quá trình kiểm soát lạm phát sẽ ra sao trong bối cảnh tăng trưởng trên nền tăng trưởng cao và kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự báo lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường hơn và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát là rất nặng nề.
Xoáy sâu vào giá thịt lợn tăng tốc dịp cuối năm, ông Long cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp chưa thực sự ăn ý giữa hai Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT:
“Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có phê bình Bộ NN&PTNT vì để giá thịt lợn tăng cao. Nhưng Bộ này lại cho rằng do Bộ Công Thương điều hành tổ chức lưu thông chưa tốt dẫn đến tình trạng găm hàng. Nhu cầu của thị trường là 10.000 tấn nhưng các công ty chỉ xuất ra 5.000 tấn, làm giá tăng nhanh. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT khi đưa ra dự báo không chính xác”.
Bổ sung thêm nguyên nhân của tăng giá thịt lợn, kéo theo dự báo một loạt giá cả khác có thể tăng trong dịp Tết Nguyên đán, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội khẳng định: Giá lợn tăng là do hệ thống phân phối chưa được tốt. Do ảnh hưởng của bệnh dịch, số lượng lợn trong dân chết nhiều, số lợn khỏe mạnh còn lại tập trung ở các công ty lớn. Nếu những công ty này cầm trịch tốt thị trường thì giá cả sẽ ổn định. Báo chí đã phản ánh nhiều về vấn đề neo giá, gửi giá, găm giá của các đơn vị phân phối lớn. Những công ty này nếu lên giá thì giá thị trường sẽ lên, nếu họ giảm giá thị trường cũng sẽ giảm.
“Vừa qua, nếu như không có chỉ đạo của Chính phủ thì liệu những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi có giảm giá hay không? Các cơ quan chức năng không quyết định được giá lợn tại các trang trại. Luật giá đã quy định, trong những thời điểm khó khăn, phải có những biện pháp cứng rắn hơn và khải kê khai giá, xác định giá thành. Ví dụ giá thành chăn nuôi của các công ty lớn chỉ ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg là lãi quá cao”, ông Phú nói.
Cụ thể về nguy cơ tăng giá một loạt mặt hàng trong năm 2020, các chuyên gia tại Hội thảo dự báo: Giá nhiên liệu trong nước có thể tăng nhẹ do chịu ảnh hưởng của giá thế giới trước những bất ổn chính trị. Giá dịch vụ y tế năm 2020 sẽ chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế và việc điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Giá đất giai đoạn 2020 - 2024 sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 10-20% so với năm 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp lễ, Tết.
Để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động và nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020 là hết sức quan trọng.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, để kiểm soát tốt giá cả thị trường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020.