Năm 2020 sẽ vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia
Đồng thời, đề án hướng đến nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Từ nay đến năm 2020 phấn đấu rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, ban hành tối thiểu năm tiêu chuẩn quốc gia, một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Giai đoạn đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và hai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh đó có tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện mới bước đầu thực hiện trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, Hà Nội hiện được coi là địa phương đi đầu trong việc kết nối cung cầu gắn với quản lý an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thủ đô thông qua Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc vừa được ra mắt cách đây một tháng.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam áp dụng ứng dụng sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” và công nghệ Check VN, thiết lập Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tại địa chỉ tên miền Hn.check.net.vn.
Hiện tại Hệ thống Hn.check.net.vn đang lưu giữ thông tin của trên 1.000 doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông lâm thủy sản an toàn với gần 4.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Và, hệ thống cũng đang hỗ trợ quản lý thông tin sản xuất của một số vùng sản xuất nhiều vùng chuyên canh mẫu lớn như bưởi tôm vàng Đan Phượng có chỉ dẫn địa lý (diện tích 82 ha), bưởi Chương Mỹ (hơn 300 ha), bưởi Phúc Thọ (15 ha), chuối Vân Nam, nhãn Đại Thành – Quốc Oai – Hà Nội, ổi Mê Linh, su su Tam Đảo (50 ha), vải Thiều Thanh Hà (3.900 ha), cam Văn Giang - Hưng Yên, nhãn lồng Hưng Yên…
Bởi vậy, “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt có một vai trò rất quan trọng để các sản phẩm Việt ngày càng khẳng định thương hiệu của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi giá trị và làm gia tăng giá trị.
Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ giúp chu trình khép kín trong sản xuất, lưu thông, phân phối ra thị trường thuận lợi hơn. Đấy cũng chính là tận dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kinh doanh, góp phần tạo nên cơ hội mới, vận hội mới cho nền kinh tế.