Năm 2021, Việt Nam chính thức thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người
Bộ Y tế vừa thông tin tại Hội thảo giới thiệu vaccine phòng chống Covid-19 về việc Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào năm 2021 và không cho biết rõ thời điểm cụ thể.
Sáng nay (30/9), quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin trong Hội thảo giới thiệu vaccine phòng chống Covid-19 tại Việt Nam về việc Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào năm 2021.
Hiện các vaccine Covid-19 Việt Nam nghiên cứu trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Ảnh: Nhân Dân
Ông Long cho biết thêm, hiện các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả địa phương. Từ ngày 3/9 đến nay, Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam luôn cố gắng khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.
Là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine nên Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các vaccine trên thế giới để thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu cho ra vaccine Covid-19.
4 nhà sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Ivac), Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen.
Quyền Bộ trưởng Y tế dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, ba tại Việt Nam.
Thông thường thử nghiệm lâm sàng vaccine phải trải qua ba giai đoạn bắt buộc. Giai đoạn một thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh, cỡ mẫu 30-50 tình nguyện viên, với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn của vaccine.
Giai đoạn hai được thực hiện trên người trưởng thành khỏe mạnh, với cỡ mẫu tối thiểu 200, nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine, đồng thời lựa chọn liều, lịch dùng thích hợp.
Giai đoạn ba tiến hành trên cỡ mẫu tối thiểu 500 người, có đối chứng, tại nhiều địa điểm, sử dụng phác đồ tiêm chủng được lựa chọn từ giai đoạn 2, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên một nhóm cộng đồng lớn hơn, gần với đối tượng đích (sẽ sử dụng vaccine), bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi.
Kỹ thuật viên đang nghiên cứu chế tạo vaccine Covid-19 của Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế.
Kết quả thử nghiệm các giai đoạn trước phải đảm bảo tính an toàn trong giới hạn cho phép mới được tiến hành sang giai đoạn tiếp theo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 24/9, có 187 loại vaccine Covid-19 đang triển khai nghiên cứu, trong đó 38 vaccine trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Trong số này, 9 vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba; ba vaccine trong giai đoạn ba; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn một, 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Việt Nam đặt hàng vaccine từ 3 quốc gia là Nga, Mỹ, Anh. Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 tại Anh đã đạt được bước tiến dài, các loại vaccine nước này sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và gần đến "vạch đích" đảm bảo cung ứng cho thị trường quốc tế.
Ngoài hai nguồn cung ứng vaccine từ Covax và các công ty trong nước, Việt Nam hiện tích cực tìm kiếm các nguồn khác thông qua trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.
Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình "Giải pháp tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu" (Covax Facility) và được Liên minh Vaccine toàn cầu (Gavi) cam kết hỗ trợ. Với mục tiêu cung ứng 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia vào cuối năm 2021 cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thành viên của Covax Facility, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vaccine trong danh mục của Gavi.
Hải Yến