Nam Long: Thoát lỗ trong quý II nhờ bán vốn dự án Paragon, chờ đợi 'mùa cao điểm'
Nam Long thoát lỗ trong quý II nhờ bán vốn dự án Paragon
CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 252 tỷ đồng, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái, dù vẫn cải thiện đáng kể so với doanh thu 205 tỷ đồng của quý đầu năm nay. Lợi nhuận gộp đạt gần 129 tỷ đồng, biên lãi gộp giảm xuống gần 51% từ mức 58,8% cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính chưa khởi sắc đáng kể, doanh nghiệp lại ghi nhận 250 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính trong quý II, trong đó gần 231 tỷ đồng là tiền lãi từ thanh lý khoản đầu tư. Kết quả, NLG báo lãi sau thuế quý II đạt 160 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn thoát lỗ sau mức lỗ 65 tỷ đồng hồi quý I.
Trước đó, hồi tháng 6, Nam Long cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Paragon Đại Phước (quy mô 45 ha) cho đối tác chiến lược Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản). Giá trị thương vụ chuyển nhượng khoảng 662 tỷ đồng, ước tính thu về khoản lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng. Theo BCTC quý II mà Nam Long vừa công bố, khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng này là 230,7 tỷ đồng đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Nam Long tại Paragon giảm từ 75% xuống còn 50%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nam Long ghi nhận tổng doanh thu thuần 457 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 95 tỷ đồng, cùng giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành gần 7% kế hoạch doanh thu và gần 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên.
Dự án Akari 2 'bung' về cuối năm sẽ là điểm tựa cho KQKD cả năm
Trên bảng cân đối kế toán, chiếm hơn 64% cơ cấu tổng tài sản của Nam Long là hàng tồn kho (trị giá 19.165 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm), tập trung ở các dự án như Izumi (8.656 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 1 (3.837 tỷ đồng), dự án Hoàng Nam - Akari (2.426 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 2 (2.036 tỷ đồng), dự án Cần Thơ (1.493 tỷ đồng).
Trong những báo cáo triển vọng doanh nghiệp gần đây, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng kết quả kinh doanh của Nam Long sẽ hồi phục mạnh mẽ về cuối năm với động lực chủ yếu đến từ bàn giao các dự án trọng điểm trong "kho hàng" hiện có, trong đó nổi bật là dự án Akari 2.
Akari là tổ hợp chung cư lớn, chia làm 3 giai đoạn, được Nam Long (sở hữu 50%) cùng 2 đối tác Nhật là Hankyu và Nishi Nippon Road hợp tác phát triển. Giai đoạn 2 của dự án đã bắt đầu mở bán vào khoảng quý II/2022, cất nóc vào cuối năm 2023 và dự kiến sẽ bàn giao vào cuối năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, lượng hàng được hấp thụ ước tính khoảng 70-80%.
Theo ước tính của Chứng khoán DSC, với mật độ xây dựng là 30%, số tầng được đưa vào thương mại nhà ở là 26/29 tầng mỗi tòa (3 tầng thấp nhất dùng để cho thuê hoat động thương mại, dịch vụ), tổng giá trị doanh số bán hàng mà doanh nghiệp thu về từ dự án này có thể lên tới gần 5.800 tỷ. Tuy nhiên với dự kiến thời gian bàn giao khá muộn là vào quý IV/2024, số lượng sản phẩm được ghi nhận vào doanh thu trong năm nay có thể đạt khoảng 60%, tức 3.400 tỷ, lợi nhuận gộp thu được khoảng 1.300 tỷ.
Theo đó, Akari 2 được cho là động lực lớn nhất cho kết quả kinh doanh của NLG trong năm 2024, chiếm khoảng 61% tổng doanh thu thuần dự phóng cho cả năm của DSC. Ngoài dự án Akari 2, dự kiến doanh thu năm nay của Nam Long cũng sẽ được hỗ trợ một lượng nhỏ các sản phẩm Valora từ dự án Waterpoint, Izumi.
Theo đó, Chứng khoán DSC kỳ vọng doanh thu cả năm 2024 của NLG đạt 5.620 tỷ (+77% svck), lợi nhuận sau thuế đạt 1.012 tỷ (+26% svck) (đã bao gồm khoảng 200 tỷ lợi nhuận từ chuyển nhượng 25% dự án Paragon cho đối tác Nhật Bản). Tuy vậy theo nhóm phân tích DSC, do Akari 2 chỉ bao gồm các sản phẩm chung cư Flora, nên dự phóng biên lợi nhuận gộp năm 2024 của NLG sẽ giảm về mức 38% (so với 49% của năm 2023).
Tương tự DSC, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng động lực cho doanh thu năm 2024 của NLG chủ yếu sẽ đến từ các dự án căn hộ nội đô như Akari (chiếm 55% doanh thu dự phóng cả năm) và ngoài ra là Mizuki Park do phân khúc sản phẩm phù hợp, bàn giao nhà đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu ở thực. Trong khi đó, khả năng hấp thụ các dự án nhà phố/biệt thự tại các tỉnh như Long An, Cần Thơ cần có thêm thời gian để hồi phục.
Do đó, KBSV kỳ vọng doanh thu cả năm 2024 của NLG đạt 5.462 tỷ đồng (+72% svck), lợi nhuận sau thuế đạt 1.029 tỷ (+29% svck) (đã bao gồm khoảng 200 tỷ lợi nhuận từ chuyển nhượng 25% dự án Paragon cho đối tác Nhật Bản).
Nợ vay ở mức an toàn so với ngành, nhưng cần theo dõi chặt chẽ
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Nam Long đạt 29.731 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, 3.039 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi (gồm 2.073 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 966 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng). Ngoài ra, Nam Long có 3.765 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn…
Tổng nợ phải trả của Nam Long tính đến 30/6/2024 tăng 8,9% so với đầu năm lên 16.425 tỷ đồng. Trong đó dư nợ vay tài chính là 6.532 tỷ đồng, bao gồm 3.241 tỷ đồng vay ngắn hạn và 3.291 tỷ đồng vay dài hạn.
Tỷ lệ nợ vay/Tổng tài sản tính đến hết quý II đạt khoảng 0,22, đi ngang so với quý I/2024 và ở mức trung bình của các doanh nghiệp BĐS, theo đánh giá của KBSV.
Tỷ lệ tiền gửi/ nợ vay tính đến hết quý II đạt khoảng 0,47, nếu so với mức trung bình ngành tính đến thời điểm cuối quý I/2024 là nhỉnh hơn đáng kể, phản ánh khả năng thanh toán khá tốt.
Dù vậy, Chứng khoán DSC trong báo cáo gần đây lưu ý rằng trong năm 2024, Nam Long cần tất toán 2.400 tỷ nợ vay trái phiếu và tín dụng đáo hạn. “Việc huy động thêm nợ và sử dụng tiền hiện có để trả nợ có thể sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số về khả năng thanh toán của NLG”, báo cáo của DSC đánh giá.