Nâng cao năng lực cho cán bộ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

17:08 | 01/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Để chuẩn bị đón đầu Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), mới đây Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA cho cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Như vậy, cam kết về ưu đãi thuế quan của EVFTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các nước không có Hiệp định thương mại tự do với EU khi cùng xuất khẩu vào thị trường tiềm năng với 450 triệu dân này.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia, như các FTA của ASEAN với các nước đối tác hay các FTA song phương, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Trước khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, không chỉ các doanh nghiệp, các cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi, cần phải trang bị kiến thức về pháp luật và những hiểu biết đúng đắn về các quy định, cam kết tại EVFTA để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Nâng cao năng lực cho cán bộ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - ảnh 1
 Bộ Công Thương nâng cao năng lực cho cán bộ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Ảnh minh họa.
Để đón đầu và tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại ngay những ngày đầu thực thi, Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam, đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị trong giai đoạn trước và sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại Hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O, tổ chức các Hội thảo tuyên truyền, phổ biến Hiệp định EVFTA…
Triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã ký Quyết định số 42/QĐ-XNK ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định EVFTA của Cục Xuất nhập khẩu trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ triển khai 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm công tác trọng tâm: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tận dụng Hiệp định EVFTA để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; Theo dõi, đánh giá việc tận dụng Hiệp định EVFTA;  Tuyên truyền và phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA;  Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương hiểu rõ rằng không chỉ các doanh nghiệp, mà các cán bộ tại cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng cần phải trang bị kiến thức về pháp luật và những hiểu biết đúng đắn về các quy định, cam kết tại EVFTA để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức "Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA" cho cán bộ tại các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O ưu đãi trên toàn quốc.
Bộ Công Thương cho biết, các cán bộ tham gia tại hội nghị là những cán bộ nguồn am hiểu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA, giúp lan tỏa kiến thức, hiểu biết cho doanh nghiệp và cộng đồng cũng như tiếp tục tập huấn cho các cán bộ khác tại cơ quan, tổ chức cấp C/O của mình. Theo đó, không chỉ các cán bộ tham gia Hội nghị Tập huấn mà bất kỳ cán bộ nào tại cơ quan, tổ chức cấp C/O có thể xét duyệt hồ sơ của doanh nghiệp cũng như tư vấn cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sau hội nghị, các cơ quan, tổ chức cấp C/O cần tiếp tục tích cực, chủ động tìm hiểu trước quy định tại Hiệp định và dự thảo Thông tư, trao đổi lại với Cục Xuất nhập khẩu khi có vướng mắc về cách hiểu các quy định đó. Nâng cao năng lực và kiến thức về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA cho cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc thực thi Hiệp định này thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan mà Hiệp định này mang lại.