NĐT cá nhân có tuần mua ròng mạnh nhất 4 tháng, tập trung gom HPG, NVL

L.C 17:50 | 17/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xu hướng dòng tiền giao dịch qua kênh khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại tiếp tục bán ròng, khối tự doanh và tổ chức trong nước rút ròng lần lượt 1.266 tỷ và 557 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân trong nước chuyển hướng mua ròng với quy mô gần 5.080 tỷ đồng.

VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc mạnh quanh khu vực đỉnh cũ với áp lực bán liên tục gia tăng mỗi khi chỉ số chung tiếp cận vùng điểm này.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index chịu áp lực bán mạnh ngay từ phiên giao dịch đầu tuần với sự thận trọng của nhà đầu tư tại vùng đỉnh cũ khiến cho thị trường có phần hụt hơi và liên tục mất điểm, lùi sát về khu vực 1.220. Sự rung lắc, tăng giảm đan xen được ghi nhận trong các phiên giao dịch sau đó cho thấy lực cầu đã có phần suy yếu và chưa thể giúp thị trường cải thiện về mặt điểm số. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.227,36, giảm 14,12 điểm, tương đương 1,14% so với tuần trước.

Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí dẫn đầu đà tăng của các nhóm ngành với tỷ lệ gần 9,8%. Ở chiều ngược lại, áp lực bán mạnh đè nặng lên nhóm cổ phiếu bất động sản khiến cho nhóm ngành này giảm hơn 6%.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên toàn thị trường đạt 26.838 tỷ đồng, tăng 23,6% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại bán ròng trở lại với giá trị hơn 1.958 tỷ đồng, cùng với tự doanh và tổ chức trong nước rút ròng lần lượt 1.266 tỷ và 557 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân trong nước chuyển hướng mua ròng với quy mô gần 5.080 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân có tuần mua ròng mạnh nhất 4 tháng

Trong tuần giao dịch 11 – 15/9, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 5.076 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng hơn 3.781 tỷ đồng.

Theo thống kê từ FiinTrade, đây là tuần mua ròng mạnh nhất của nhà đầu tư cá nhân kể từ giữa tháng 5/2023, hấp thụ toàn bộ lực bán ròng của khối ngoại (trong đó có sự tham gia của quỹ ETF), tổ chức trong nước và tự doanh.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 12/18 nhóm ngành. Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 1.106 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (967 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (783 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (408 tỷ đồng), …

Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm xây dựng & vật liệu với quy mô 118 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, hóa chất, thực phẩm & đồ uống, y tế với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân trong tuần diễn ra ở hầu hết các ngành chủ chốt, tập trung ở ngân hàng (STB, SHB, VPB, MBB, ACB), bất động sản (NVL, DIG, KBC, DXG), thép (HPG) và chứng khoán (SSI, VCI, VIX, HCM) với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, họ cũng mua ròng mạnh các cổ phiếu MWG (285 tỷ đồng), FPT (188 tỷ đồng).

Top bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là PDR (273 tỷ đồng), VNM (161 tỷ đồng) và một số cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc ngành xây dựng và vật liệu (VCG, HPX, VGC), hóa chất (DGC), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Tổ chức trong nước đẩy mạnh bán ròng qua kênh khớp lệnh

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 936 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ xả ròng 1.266 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 10/18 ngành, giá trị lớn nhất là dịch vụ tài chính với 337 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu bất động sản (301 tỷ đồng).

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước lại tìm đến cổ phiếu của các nhóm ngành như xây dựng & vật liệu (95 tỷ đồng), hóa chất (61 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Mã này ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 99 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 75 tỷ đồng mã HPX.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như EIB (73 tỷ đồng), PDR (70 tỷ đồng), DGC (66 tỷ đồng), SHB (38 tỷ đồng), GAS (31 tỷ đồng), CTG (25 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu VIX của Chứng khoán VIX bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 331 tỷ đồng. Trái với áp lực bán ròng từ các tổ chức trong nước, mã này dẫn đầu top mua ròng của khối ngoại tuần qua với giá trị 224 tỷ đồng, bên cạnh đó các NĐT cá nhân cũng gom ròng 107 tỷ đồng.

Kế đó, nhiều cổ phiếu bất động sản như NVL, DIG, DXG cũng bị bán ròng lần lượt 164 tỷ, 124 tỷ và 72 tỷ đồng. Danh mục top 5 rút ròng cũng có sự góp mặt của VPB (61 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.