Nên lập ngân hàng riêng cho DNNVV vượt qua COVID-19

21:56 | 18/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh phải đối phó với cuộc khủng hoảng trong đại dịch, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Áp dụng nền tảng số cho DNNVV bình ổn sản xuất và kết nối vốn hậu COVID-19.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME khẳng định, hiện nay cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19, điều chưa từng xảy ra trước đây. COVID-19 đã và đang tàn phá ghê gớm kinh tế-xã hội toàn cầu và không loại trừ một quốc gia nào. Theo dự báo của OECD, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến kéo dài và lan rộng ra tất cả các vùng châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn 1,5% trong năm 2020. Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo COVID-19 sẽ làm tăng thêm 25 triệu lao động thất nghiệp. Các tổ chức trên đã khuyến nghị với các Chính phủ phải hành động nhanh chóng và quyết liệt, cần cấp BH thất nghiệp và chi trả chi phí BHYT có liên quan đến COVID-19 cho người lao động; đồng thời xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí năng lượng cho các vùng, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Nên lập ngân hàng riêng cho DNNVV vượt qua COVID-19 - ảnh 1
 Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Áp dụng nền tảng số cho DNNVV bình ổn sản xuất và kết nối vốn hậu COVID-19.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam không những bảo đảm tính mạng người dân mà còn chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thứ 2 quan trọng không kém là duy trì ổn định kinh tế và sẵn sàng bứt phá khi dịch bệnh lắng xuống. Theo đó, Chính phủ đã, đang tiếp tục đưa ra các chính sách rất thực tế như hỗ trợ tài chính tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch, miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp tiền BHXH. Cùng với các chính sách dân sinh khác như: gói hỗ trợ về tiền được nâng lên 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VINASME, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí lao đao, khó cầm cự nếu không được hỗ trợ và có các giải pháp kịp thời
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam đang đứng trước thời kỳ khó khăn khi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng trên toàn thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, cần có những hành động quyết liệt, giải pháp từ Chính phủ và bản thân DN, người dân để ổn định sản xuất một cách bền vững và lâu dài.
Đứng trước tình hình phải sống chung với dịch bệnh, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, COVID-19 là động lực mới giúp ta đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đây là nhu cầu bắt buộc. Thực tế Việt Nam đang dần thích ứng với hình thức online. Giờ doanh nghiệp phải bắt buộc tái cơ cấu các hình thức sản suất, giao tiếp trực tuyến với khách hàng, tham gia chuỗi sản xuất để thích ứng với thời kỳ dịch bệnh có thể kéo dài, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động...
Nên lập ngân hàng riêng cho DNNVV vượt qua COVID-19 - ảnh 2
 Nên lập ngân hàng riêng cho DNNVV vượt qua COVID-19. Ảnh minh họa
Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là thời gian hơn bao giờ hết các doanh nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số, quản lý số, giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao năng suất... là cơ hội để chúng ta phát triển và giúp cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, thích ứng đươc mô hình sản xuất mới trong thời kỳ dịch bệnh. Doanh nghiệp phải chung tay, chia sẻ, càng khó khăn càng phải chia sẻ, đó là chia sẻ dữ liệu, nền tảng kết nối
Dưới góc độ chuyên gia, theo ông Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần 2 thứ, đó là dòng tiền và thanh khoản và nên tập trung vào "điểm huyệt" này. Để các gói chính sách phát huy hiệu quả cần sự vào cuộc của 3 bên: Chính phủ, bộ/ngành/địa phương; các tổ chức tín dụng và cơ quan thuế phải tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính bằng việc áp dụng công nghệ; và doanh nghiệp cần phải đổi mới tư duy phù hợp với xu thế mới sau khi COVID-19 xuất hiện.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, để thực hiện các gói hỗ trợ hiệu quả, doanh nghiệp cũng phải công khai minh bạch, cùng bắt tay với tổ chức tín dụng và thuế, đóng góp hiến kế cùng với VINASME kiến nghị chính sách lên Chính phủ.
Trong khi đó, phản biện về các gói hỗ trợ của Chính phủ hiện nay, chuyên gia tài chính cao cấp Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi, cần xem lại trong các gói hỗ trợ, đối tượng nào được thụ hưởng? Chẳng hạn, với gói 300.000 tỷ đồng, liệu các DNNVV được thụ hưởng bao nhiêu? Ai vay, doanh nghiệp nào được vay theo gói hỗ trợ này? Có phải là những doanh nghiệp đang lao đao hay là những doanh nghiệp lớn...?
Vị chuyên gia này kiến nghị nên có gói hỗ trợ riêng cho DNNVV để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền, có thể qua cơ chế bảo lãnh tín dụng, để khi dịch bệnh qua đi doanh nghiệp mới trả nợ. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét thành lập 1 ngân hàng dành riêng cho các DNNVV bởi theo ông Hiếu ngân hàng này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, trong khi số lượng DNNVV chiếm tới 98%, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp này vượt qua khó khăn, không bị loại khỏi thị trường, khi đó kinh tế Việt Nam mới hồi phục.