NFSC: Khu vực tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng

21:30 | 27/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là nhân tố để đạt được kỳ vọng cho mục tiêu tăng trưởng 6,8% của năm 2018.

Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 được Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) công bố hôm qua, kinh tế năm 2017 tăng trưởng ấn tượng chủ yếu do thực thi chính sách hỗ trợ từ phía cung nền kinh tế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, khuyến khích khởi tạo doanh nghiệp… . NFSC dự báo tăng trưởng năm 2018 có thể đạt mức 6,8%.

Trông cậy vào khối kinh tế tư nhân

Theo NFSC, khu vực tư nhân khởi sắc mạnh là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Nếu các chính sách từ phía cung phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mức 6,8%.

Nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được tạo điều kiện thuận lợi do yếu tố giá hàng hóa thế giới ít biến động, tỷ giá ổn định. Lạm phát có thể được kiểm soát ở mức dưới 5%.

NFSC: Khu vực tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng - ảnh 1
 Khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng 2018

Báo cáo của NFSC cũng nêu rõ, kinh tế tăng trưởng ấn tượng ở mức cao trong khu vực (6,7%), ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì, lạm phát dự báo khoảng 3,15%.

Tăng trưởng ghi nhận sự cải thiện cả về phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.

Theo ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC, năm 2017 là thời gian chứng kiến nhiều tăng trưởng vượt bậc về số lượng cũng như sự cải thiện về chất lượng. Hành động quyết liệt của Chính phủ đã góp phần tạo ra những động lực phát triển kinh tế.

“Kết quả có được chủ yếu do thực thi chính sách hỗ trợ từ phía cung nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi tạo doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp trong những năm gần đây.

Đây là điều được kỳ vọng giúp tăng trưởng 2018 tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Phước chia sẻ.

Năm 2017 tăng cao gây áp lực cho 2018

Báo cáo dự báo năm 2018 tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại tiếp tục được duy trì, song ở không nhiều như năm 2017. Giá cả hàng hóa thế giới sẽ ít biến động, chính sách tiền tệ dần thắt chặt, chính sách tài khóa tiếp tục chú trọng cải cách thuế và kiểm soát chi tiêu.

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể chịu tác động từ xu thế bảo hộ thương mại.

Ông Bùi Quốc Dũng, trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Thực tế, năm 2017 tăng một phần đột biến do mẫu số năm 2016 nhỏ. Rõ ràng, năm 2017 đã tăng cao rồi thì duy trì tốc độ tăng năm 2018 và các năm tiếp theo không đơn giản. Điều này cần có sự phân tích thấu đáo để có kết quả tốt hơn”.

Theo phân tích của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đã được hỗ trợ tích cực bởi 3 nhân tố chủ đạo.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh cải thiện tích cực, vốn đầu tư trực tiếp đăng ký tăng trên 50% và vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh nhất kể từ năm 2011.

Thứ hai, khu vực tư nhân tiếp tục là động lực của tăng trưởng, với số lượng doanh nghiệp đăng ký đạt kỷ lục trên 125.000 và tăng 40% về vốn.

Thứ ba, nền tảng tài chính đang ngày càng được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Cung ứng vốn của hệ thống tài chính tăng khá (28,6%), với sự gia tăng tỷ trọng từ thị trường vốn (từ mức 28% năm 2016 lên mức 33,4%).

Ngoài ra, sự mất cân đối về cơ cấu từ khá lâu của thị trường tài chính được cải thiện. Thị trường vốn huy động trung và dài hạn nhiều hơn cho nền kinh tế; các rủi ro về kỳ hạn được giảm thiểu.

Năm 2017 cũng là năm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực, nằm trong số 5 thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt xấp xỉ 66% GDP, gấp hai lần năm 2015.

Về thị trường tiền tệ, báo cáo của NFSC đánh giá năm 2017 khá ổn định và dòng vốn tín dụng vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục 47 tỷ USD.

Theo Zing.vn