Nga, Việt hướng tới 10 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều
Hợp tác phát triển năng động
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Liên bang Nga thời gian qua phát triển năng động. Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, thành lập từ năm 1992, được hai nước duy trì, nâng lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Các khóa họp Ủy ban liên chính phủ được tiến hành thường niên; gần đây nhất là Khóa họp 20 Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật tháng 9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng doanh nghiệp Việt-Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường.
Thời gian qua, thương mại hai chiều hai nước đã tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Hiện Liên bang Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga đạt 3,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD (tăng 34% so với năm 2016), nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 1,4 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2016). Trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,43 tỷ USD (tăng 31,83% so với cùng kỳ 2017), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt 756 triệu USD (tăng 23,54%); nhập khẩu đạt 681 triệu USD (tăng 42,5%). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: Điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…
116 dự án đầu tư vào Việt Nam của Nga còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD (trong đó phải kể đến Vietsovpetro, Vietgazprom). Đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, năng lượng, khai khoáng, giao thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản... Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 23 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp...
Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm: Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, Dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nga của Tập đoàn TH-True Milk, Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại-khách sạn Hà Nội-Moskva.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Liên bang Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đón 176 nghìn lượt khách du lịch Nga, năm 2013 đón 300.000 lượt, năm 2014 đón 364.000 lượt, năm 2015 đón 340.000 lượt, năm 2016 đón 430.000 lượt, năm 2017 đón 570.000 lượt khách Nga (tăng 32% so với cùng kỳ 2016). Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018, đạt hơn 260.000 lượt (tăng 13,4% so với cùng kỳ 2017). Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.
Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2011, Nga cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học; năm 2012 tăng lên 400 suất và 70 suất dành riêng đào tạo chuyên gia hạt nhân. Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 sinh viên du học tại Nga.
Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6/2017), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Moskva, Sankt Peterburg. Tháng 11/2013, Trung tâm Văn hóa-Thương mại Hà Nội được khai trương tại Moskva.
Nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD
Việc triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ là cơ hội tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tại Hội thảo bàn tròn về đề tài “Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga: tiềm năng và vấn đề phát triển” vừa được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên bang Nga, các học giả của Nga khẳng định Nga luôn khẳng định Việt Nam là cây cầu nối vào khu vực ASEAN, nơi Nga dự định sẽ thiết lập quan hệ vững bền.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù xuất hiện các dự án đầu tư mới, quy mô như dự án phát triển ngành chăn nuôi và sản xuất thực phẩm của Tập đoàn TH True Milk đã triển khai tại 4 tỉnh của Liên bang Nga, song nhiệm vụ tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020 là nhiệm vụ không dễ dàng và rất cần phải có những dự án chiến lược nếu muốn đạt được con số đó.
Để xứng với tầm quan hệ đối tác chiến lược, Liên bang Nga cần được tiếp cận với những lĩnh vực chiến lược của Việt Nam, trong đó có điện hạt nhân, cũng như những dự án quy mô và có ý nghĩa xã hội khác như giao thông tàu điện ngầm.
Quan hệ Nga-Việt Nam-ASEAN không chỉ hướng đến bảo đảm an ninh trong khu vực, mà còn nhằm gia tăng những lợi ích về kinh tế và tài chính cho tất cả các nước tham gia
Giới chuyên gia Nga, Việt tin tưởng rằng chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ làm sâu sắc thêm một cách có chất lượng, có trách nhiệm ở các phương diện kinh tế, chính trị, nhân đạo, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.