Ngân hàng thay đổi “khẩu vị rủi ro”: Doanh nghiệp cần linh hoạt vốn vay và tổ hợp tín dụng
Chính sách tín dụng ưu đãi được đẩy mạnh nhưng khẩu “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng đang thay đổi, doanh nghiệp cần linh hoạt vốn vay và tổ hợp tín dụng mới có thể vượt qua tác động từ COVID-19.
Những ngày gần đây, câu chuyện về giải pháp thúc đẩy nguồn vốn cho doanh nghiệp được nhắc tới nhiều. Tại kỳ họp 23 HĐND TPHCM khoá IX diễn ra sáng 8/12, Chủ tịch UBND TPHCM - ông Nguyễn Thành Phong đã trả lời đại biểu về những giải pháp cũng như chính sách để tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, TPHCM dự kiến sẽ có gói tín dụng hơn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% dùng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Hội thảo “Nâng cao giải pháp thúc đẩy nguồn vốn cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Sở KH&ĐT Quảng Nam vừa được tổ chức đã đưa ra giải pháp:
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành sẽ được cho vay tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư, không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ/1 doanh nghiệp. Quỹ sẽ tài trợ tối đa 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị và hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp thông qua hội thảo, truyền thông, đào tạo tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và thành lập các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật.
Cần có những giải pháp khơi thông dòng vốn
Các doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại. Lãi suất cho vay cố định trong suốt thời hạn vay vốn (tối đa 7 năm). Hồ sơ vay có thể nộp tại điểm giao dịch các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên toàn quốc, bao gồm BIDV, MB, SHB, HDBank và Bac A Bank.
Dự kiến, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng thương mại khác. Danh sách ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ sẽ được công bố trên website của quỹ này (http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn).
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các hạn chế trong tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp Việt đã được nhấn mạnh nhiều năm qua, COVID-19 chỉ là chất xúc tác khiến các hạn chế bộc lộ rõ hơn. Việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn vốn vay vẫn còn gặp khó.
Tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19” do Cục xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) và USAID (Mỹ) tổ chức ngày 30/10 vừa qua, đại diện ITPC cho biết mặc dù các chính sách tín dụng ưu đãi được đẩy mạnh nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hậu COVI-19 nhưng các ngân hàng, tổ chức cấp vốn lại càng thận trọng giải ngân.
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối ngân hàng thương mại HDBank, “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng đã thay đổi và phải điều tiết phù hợp hoàn cảnh mới. Việc đánh giá các rủi ro không chỉ dựa trên quy mô, tiềm lực tài chính mà còn quan tâm nhiều hơn đến đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới.
Ngân hàng tích cực hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tiếp cận vốn vay
Đại diện HDBank cũng chỉ ra hai yếu tố cơ bản khi ngân hàng đánh giá một khoản vay đó là phương án kinh doanh và diện mạo tài chính của công ty. Chẳng hạn doanh nghiệp xuất khẩu cần nghĩ sâu hơn về chuỗi cung ứng trong lĩnh vực của mình để trình bày phương án vay vốn khả thi.
Ở doanh nghiệp nhỏ, đại diện các ngân hàng cũng lưu ý tình trạng sổ sách kế toán thể hiện diện mạo tài chính của doanh nghiệp. Điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ là ở khả năng dự phòng rủi ro. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, ít lên phương án dự phòng, chẳng hạn nếu doanh nghiệp không bán được hàng trong hai tháng tới thì tình trạnh sẽ ra sao?
Không chỉ ngân hàng, các quỹ đầu tư cũng có những điều chỉnh về “khẩu vị” sau COVI-19. Ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc Vietnam Investment Group (VIG) cho biết COVID-19 không tác động nhiều đến chiến lược trung và dài hạn của quỹ nhưng ngắn hạn là có. VIG không thay đổi định hướng nhưng sẽ phải thận trọng hơn bởi bảo toàn vốn là vấn đề quan trọng trong thời buổi khó khăn.
Linh hoạt giữa các kênh tiếp cận
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp nên làm gì khi các tổ chức cấp vốn đang thận trọng giải ngân, ông Phan Thanh Lộc lưu ý việc tiếp cận từng nguồn vốn sẽ rất khó trong giai đoạn hiện nay. Nhưng doanh nghiệp có thể linh hoạt giữa các kênh tiếp cận, giữa nhiều nguồn khác nhau.
Giải pháp tài chính kết hợp sẽ tạo sức bật tốt hơn cho doanh nghiệp. Nguồn: Internet.
“Các nguồn vốn do chính phủ hỗ trợ, sau đó đến các quỹ tư nhân và cuối cùng mới là vốn ngân hàng. Chỉ cần 1 đồng kích cầu đi đúng thì doanh nghiệp có thể tiếp cận được thêm 19 đồng hỗ trợ vốn. Đây không phải mới, nhưng với Việt Nam khá mới và phù hợp,” ông Lộc gợi ý.
Đại diện quỹ đầu tư 600 triệu USD này cũng nhấn mạnh với một tổ chức đầu tư để thay đổi định hướng trong ngắn hạn là rất khó vì vậy doanh nghiệp trong ngắn hạn nên ưu tiên linh hoạt giữa các nguồn vốn. Một giải pháp tài chính kết hợp sẽ giúp doanh nghiệp tối đa các kênh huy động vốn, giúp giảm chi phí và tạo sức bật tốt hơn cho doanh nghiệp.
Cấp thiết kế hoạch tín dụng cho doanh nghiệp hậu COVID-19, vneconomy.vn dẫn lời chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng bổ sung.
Bởi theo ông Lực, quy mô 4 gói hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai chỉ chiếm khoảng 3% GDP, thấp hơn so với mức 10-15% GDP ở các quốc gia đang phát triển và 2-7% GDP ở một số nước ASEAN. Theo đó, có cơ sở để thực hiện gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giai đoạn 2.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn của các gói hỗ trợ này không phải từ ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, nên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn - khả thi - sinh lời. Do đó, không nên hiểu rằng các khoản vay từ gói hỗ trợ này là các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ nên sẽ không phải tuân theo các điều kiện vay vốn và quy trình thẩm định của ngân hàng thương mại, mà từng khoản vay đều có trách nhiệm hoàn trả như các khoản vay thông thường và phải tuân thủ mọi quy định về cho vay của ngân hàng.
"Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?", ông Lực nêu vấn đề. Theo vị chuyên gia này, chúng ta đã từng có gói hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong quá khứ nhưng không hiệu quả, vì áp dụng quá đại trà.
Do đó, ông Lực kiến nghị triển khai cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Theo đó, xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong một số lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo... Quy mô gói này khoảng 450.000 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ lãi suất khi đó sẽ khoảng 9.000 tỷ đồng, huy động từ ngân sách nhà nước.
Tiếp đến là thúc đẩy cho vay tiêu dùng (cơ bản là cơ chế) theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc phân rõ hơn giữa cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính - ngân hàng số.
Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tái cấp vốn và xem xét giảm phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở phân loại tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (từ quý 4/2020 đến hết năm 2021), để các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Nên chăng tổ hợp tín dụng: Doanh nghiệp tín chấp, chịu lãi suất thấp?
Khuyến nghị cho bài toán hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nan, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần giải pháp xây dựng một tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng.
Đây là một tổ hợp mà tất cả các ngân hàng đều tham gia với tư cách thực hiện trách nhiệm xã hội chứ không đơn thuần chỉ là tự nguyện. Lãi suất cho doanh nghiệp vay từ tổ hợp tín dụng này rất thấp, chỉ từ 3-5%, cho vay tín chấp chứ không phải thế chấp.
Trả lời câu hỏi liệu ngân hàng có thể có điều kiện cho vay với suất thấp như vậy không, ông Hiếu cho rằng, điều này hoàn toàn khả thi.
Bởi vì, trong hệ thống ngân hàng có phần gọi là tài khoản vãng lai thanh toán không kỳ hạn và tiền tiết kiệm không kỳ hạn. Trong cả hệ thống ngân hàng, tỷ lệ tài khoản này trong tổng vốn huy động chiếm khoảng 20% - khá dồi dào.
Các ngân hàng có thể dùng một phần để tham gia một tổ hợp, chi phí vốn có thể rất thấp nên có thể cho vay với lãi suất rất thấp. Nếu không có nguồn tiền này thì NHNN phải bơm tiền vào. Nếu thực hiện được giải pháp này, mình sẽ không dựa vào NHNN nữa mà dựa vào nguồn tiền của các tổ chức tín dụng. Hiện tại tính thanh khoản của ngân hàng rất tốt, các ngân hàng có chương trình của họ để bổ trợ thông qua gói tổ hợp tính dụng cho DNVVN vay, dĩ nhiên là phải có tiêu chí doanh nghiệp nào được vay. Doanh nghiệp chết lâm sàng rồi có bơm tiền vào cũng không sống lại được.
“Đó phải là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi, đóng góp cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19. Ngân hàng nếu cho vay là vay tín chấp chứ không phải đòi hỏi điều kiện bảo đảm. Chương trình của gói này cho vay là 5 năm, 2 năm đầu theo kỳ hạn tuần hoàn, cuối năm thứ 2 có dư nợ và trả dần trong 3 năm sau. Kèm thêm đó là quy chế kiểm soát rủi ro như bảo lãnh tín dụng quốc gia, không phải là quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương như hiện hành”, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.
Bàn về quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN. Quyết định này cho phép các quỹ bảo lãnh địa phương vốn điều lệ tối thiểu phải là 100 tỉ đồng và điều này “không có nghĩa lý gì” cho thời điểm hiện tại.
“Cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, quỹ đó phải có vốn điều lệ lên đến 30.000 tỉ đồng và có thể bảo lãnh 10 lần trên vốn điều lệ của mình. Với cách bảo lãnh tín dụng như vậy sẽ có 2 cái lợi. Một là, ngân hàng dám cho vay thay vì Chính phủ bỏ tiền cho doanh nghiệp, Chính phủ chỉ đứng đằng sau bảo lãnh cho họ. Hai là, nếu một doanh nghiệp vay vốn mà mất vốn, ngân hàng mất vốn thì được Chính phủ bồi thường qua quỹ tín dụng quốc gia này”, ông Hiếu nói.
Để các ngân hàng sẵn sàng với giải pháp xây dựng một tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng, Chính phủ phải làm sao triệu tập các ngân hàng lại, giúp các ngân hàng nhận thức tốt về trách nhiệm xã hội của mình. Điều này, trước đó, các ngân hàng tại Việt Nam chưa làm được, theo ông Hiếu.
Minh Hoa