Ngành cảng biển hứa hẹn khởi sắc trong năm 2021
Tuần đầu năm 2021, liên tiếp các tàu lớn 'xông đất' tại nhiều cảng biển trên cả nước, hứa hẹn khởi sắc trong năm 2021.
Động lực tăng trưởng đến từ cảng nước sâu
Theo RongViet Securities, các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm sôi động, được thúc đẩy bởi các giá trị xuất khẩu tăng cao đột biến, chủ yếu đóng góp bởi các đơn hàng đi Mỹ, bất chấp các dự báo về ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.
Sản lượng giao thương hàng hoá sau khi chịu thiệt hại trong quý II/2020 đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đà tăng trưởng có được một phần nhờ các hoạt động dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp đa quốc gia sang Việt Nam.
Phần khác, đà phục hồi nhanh chóng cũng đến từ sự quay trở lại của hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như tại các quốc gia đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Có quan hệ mật thiết với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, ngành cảng biển được RongViet Securities dự báo sẽ tiếp tục có một năm thăng hoa trong 2021.
Fitch Solutions dự báo kim ngạch thương mại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 11% từ 2021 đến 2024 nhờ sự thúc đẩy đáng kể nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương với một số quốc gia theo các hiệp định EVFTA và RCEP đã ký gần đây.
Việt Nam cũng đang tích cực phát triển hạ tầng logistics vì đây là một trong những chìa khóa quan trọng cho cuộc đua của các nước trong bối cảnh các chuỗi cung ứng quốc tế có sự dịch chuyển, mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc sau dịch COVID-19.
Bên cạnh nhiều dự án phát triển hạ tầng đường bộ, hệ thống hạ tầng cảng biển nước sâu cũng đang được chú trọng đầu tư như cảng nước sâu Gemalink tại Cái Mép-Thị Vải, hoạt động 2021và cảng Lạch Huyện bến 3, 4 dự kiến hoạt động 2025.
Động lực tăng trưởng ngành cảng biển được đánh giá là đến từ cảng nước sâu
Hệ thống cảng nước sâu này không chỉ đáp ứng được cỡ tàu lớn hơn, mà còn cắt giảm chi phí logistics khi không phải trung chuyển hàng hóa qua nước thứ ba, góp phần tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics của Việt Nam.
RongViet Securities dự báo rằng khu cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) sẽ tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng trên 20% nhờ vào số lượng tuyến hàng hải trực tiếp tới các thị trường Mỹ, EU lớn nhất cả nước.
Hiệu suất hoạt động tại khu vực CM-TV tăng mạnh đồng nghĩa với việc một phần sản lượng container sẽ bị rút từ các cảng tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Tăng trưởng tại TP HCM nhiều khả năng duy trì ở mức một chữ số.
Trong khi đó, theo dự báo từ RongViet Securities, sản lượng tại khu cảng Hải Phòng sẽ tăng khoảng 10% nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu với thị trường nội Á phục hồi, còn thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bứt phá, thông qua tuyến hàng hải kết nối tại Lạch Huyện.
Liên quan đến việc nâng giá bốc dỡ container, RongViet Securities nhận định điều này sẽ có ít ảnh hưởng tới cụm cảng ở Hải Phòng, trong khi gia tăng lợi ích đáng kể cho các cảng tại CM-TV. Nguyên nhân của sự khác biệt này đến từ việc cạnh tranh gay gắt do dư cung, và đặc biệt là sự phân tán về sản lượng ở nhiều cảng sông tại Hải Phòng sẽ khiến các cảng tại đây cắt giảm giá các dịch vụ không được quy định để duy trì mối quan hệ với hãng tàu.
Trong khi đó, đối với khu vực CM-TV, hầu hết các cảng đều được đảm bảo về mặt sản lượng, nên việc tăng giá sàn bốc xếp sẽ tác động rõ rệt hơn lên các cảng tại khu vực này.
Nhiều kỳ vọng trong năm 2021
Tờ Vietnamnet trích dẫn thống kê của Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam (HHVN) Nguyễn Xuân Sang cho biết: "Chỉ tính riêng tháng 1/2021, sản lượng thông qua các cảng đạt 62 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020".
Cũng theo Vietnamnet, ông Hoàng Hồng Giang, Cục phó Cục HHVN cho biết: Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 6 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động.
Trong đó, 2 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi).
Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với khoảng 87,4 km dài cầu cảng, tăng khoảng 2,25 lần so với năm 2010. Công suất thông qua của cảng tăng gấp khoảng 3 lần so với thời kỳ năm 2010.
Hiện có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và giao Cục HHVN làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: Bến cảng Cái Lân (cầu 5,6,7), Bến cảng công-te-nơ ODA Cái Mép, Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và Bến cảng An Thới - Kiên Giang.
Nhiều cảng biển, bến cảng lớn được đầu tư và đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 2010 đến nay, điển hình là bến khu vực Cái Mép - Thị Vải đã đón được tàu container lớn nhất thế giới lên đến hơn 200.000 DWT, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đón được tàu có trọng tải lên tới 132.000 DWT thiết lập tuyến container đi thẳng thị trường Châu Âu, Châu Mỹ mà không phải chuyển tải qua nước thứ 3, tiết kiệm được chi phí vận tải và logistics.
Cảng dầu khí ngoài khơi Nghi Sơn đón tàu dầu VLCC trọng tải trên 300.000 DWT; khu cảng Formosa, Hòa Phát Dung Quất đón được các tàu hàng rời trọng tải trên 200.000 DWT… Các cảng biển, bến cảng biển thực sự trở thành một cửa khẩu quốc tế quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải hơn 90% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.
Cảng biển Việt Nam lọt vào tốp 30 cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới. Sự phát triển về cả quy mô hạ tầng và chất lượng dịch vụ cảng biển đã góp phần đưa cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong hải trình vận tải biển toàn cầu.
Ông Hoàng Hồng Giang cho hay, "tuy dịch COVID -19 kéo dài và diễn biến phức tạp nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng trưởng, ước đạt 689,07 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,14 triệu Teus, tăng 13% so với năm 2019".
Ngay trong tháng 1/2021, sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng tiếp tục tăng trưởng mạnh, "đặc biệt là các khu vực như cảng biển Hải Phòng (tăng 26%), TP Hồ Chí Minh (tăng 27%) và khu vực Cái Mép - Thị Vải (tăng 29%)".
Vận tải biển tăng cơ hội phát triển
Theo Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Xuân Sang, năm 2020, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng tốt, ước đạt 159,42 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp…
Đặc biệt, trong năm 2020, Cục HHVN đã tổ chức cho tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới 200.000 DWT vào cảng CMIT an toàn, đánh một dấu mốc quan trọng trong việc khai thác cảng biển container của Việt Nam, ngoài ra các cảng biển khác đề được nâng cấp đón tàu có trọng tải lớn.
Tuy nhiên, đối với lượng hành khách thông qua cảng biển, do ảnh hưởng dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nên số lượng hành khách thông qua cảng biển trong năm 2020 chỉ ước đạt 5,87 triệu hành khách, giảm 22% so với năm 2019.
Theo đánh giá từ các chuyên gia hàng hải, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển vẫn giữ đà tăng, nhất là hàng container có sự tăng trưởng khả quan; kết nối giữa hai phương thức vận tải hàng hải và đường thủy nội địa có chuyển biến tích cực, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ.
Ngoài ra, vắc - xin phòng chống dịch COVID-19 đã được tiêm đại trà diện rộng, trong tương lai gần việc hạn chế phong tỏa chống dịch sẽ được gỡ bỏ góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, theo nhận định từ Cục hàng hải Việt Nam, vừa qua, Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng trong thời gian qua như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Việc thực thi các Hiệp định này sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn từ EU và các nước khác đến Việt Nam.
Còn tại thị trường trong nước, mới đây, Việt Nam đã đưa vào vận hành ổn định các nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu, nhà máy thép làm gia tăng đột biến sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam. Việc đầu tư các nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên sẽ hình thành và phát triển đội tàu vận tải khí thiên nhiên LNG qua hệ thống cảng biển Việt Nam sau khi nhà máy được hoàn thành đưa vào khai thác.
Có thể nói, dù dịch bệnh vẫn còn ám ảnh nền kinh tế, nhưng năm 2021, Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng lớn gia tăng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là tiền đề cho vận tải biển nhiều cơ hội phát triển.
Minh Hoa
Xem thêm: