Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao
22:59 | 04/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 4/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng của các ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2019 cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản đề ra từ đầu năm, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9,13%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nhiệp tăng 9,5%.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78% sau nhiều năm giảm liên tiếp.
Đặc biệt ngành khai khoáng khai thác vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu giảm 7%) tại kịch bản tăng trưởng nhờ khai thác than tăng cao (tăng 1,2%), bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.
Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng 9,8% (mục tiêu là 9,6%).
Theo ông Hải, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công thương, tăng 10,8% (mục tiêu là 12,7%) và thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,7%). Tuy nhiên vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Nhìn nhận về động lực tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng cuối năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 5 và tháng 6 đã tăng cao hơn các tháng đầu năm. Đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 đã phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm. Qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả ngành này trong các tháng tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi để thay thế cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ, đặc biệt là dệt may và da giày đã có đơn hàng ổn định đến hết năm, cùng với đó là sự chuyển dịch đầu tư từ nền kinh tế thứ hai thế giới sang những thị trường lân cận sẽ thúc đẩy dòng chảy FDI. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019 là cơ sở để kỳ vọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ có những bứt phát trong những tháng tới.
Việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sau thời gian bị sự cố đã chính thức vận hành lại các phân xưởng sản xuất sẽ là nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng ngành công nghiệp và thu ngân sách những tháng tiếp theo. Ngành thép năm 2019 dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Từ những động lực đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm nay. Cụ thể, tập trung bám sát tình hình, theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu; phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và hiệp hội, doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” và “mượn xuất xứ” của Việt Nam để vào Mỹ.
Thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; tích cực chuẩn bị có các FTA thế hệ mới. Đối với Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU ( EVFTA và IPA), Bộ Công thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn tất phê chuẩn hiệp định.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bứt phá thị trường trong nước, phát huy vai trò của khu vực thị trường trong nước để đóng góp vào tăng trưởng tố hơn.
Bên cạnh đó, liên quan đến vụ Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc nhưng về lắp lại thành sản phẩm, dán mác xuất xứ VN, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối, sẽ phối của hợp với Bộ Công thương kiểm tra, xử lý báo cáo Chính phủ.
Nói về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đối với hàng hóa lưu thông trong nước có Nghị định 43 quy định về nhãn hàng hóa, và yêu cầu bắt buộc là sản phẩm lưu thông trên thị trường đều phải dán nhãn: Tên sản xuất, tên tổ chức lưu thông hàng hóa…
Cũng trong Nghị định 43 có quy định các tổ chức, cá nhân phải tự xác định đưa tin về hàng hóa đó. Hiện chúng ta chưa có quy định rõ ràng về việc xác định rõ xuất xứ hàng hóa của Việt Nam. Nên hiện Bộ Công Thương đang xây dựng văn bản quy định về vấn đề này. Hiện văn bản này đang xin ý kiến của các bộ, ngành, người tiêu dùng nhằm ngăn chặn tình trạng không rõ về xuất xứ.