Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn không phát triển như kỳ vọng
22:27 | 30/10/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhưng ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Sáng 30/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động chính sách, các rào cản và giải pháp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM nhận định, mặc dù, thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ được sự quan tâm của Chính phủ, nhưng công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước vẫn chưa phát triển, tỉ lệ nội địa hóa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Đứng trước cơ hội, thách thức khi hội nhập khu vực hoàn toàn, để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, Việt Nam cần có những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
“Trước thực tế trên, các nghiên cứu chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực trạng và một số giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô là hết sức cần thiết”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn yếu hơn các nước trong khu vực
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ rõ: “Đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghệ hỗ trợ (CNHT) ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của DN nội địa”.
Hiện nay, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô (quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô).
Theo ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa.
“Phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI, tỉ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ doanh nghiệp nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các doanh nghiệp cung cấp hiện có, hơn 90% là doanh nghiệp FDI, chỉ có số ít doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam”, ông Lương Ngọc Toàn cho biết.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, khiến cho ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển như kỳ vọng, trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực thấp, hay do chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Ngoài ra, còn do chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Thị trường nhiều biến động, doanh nghiệp thiếu chủ động
Ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc Toyota Việt Nam nói: Thị trường Việt Nam có nhiều biến động nên các nhà đầu tư do dự khi vào Việt Nam.
Thêm vào đó, sản xuất thiết bị nội địa còn thấp, đơn cử, sản lượng của Toyota Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, hệ thống nhà cung cấp ở Việt Nam còn rất hạn chế nên 90% là nhập khẩu.
Cạnh tranh về chi phí sản xuất Việt Nam yếu nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.
Đại diện Toyota cho rằng: Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô không thể đạt được nếu thiếu sự tăng trưởng của thị trường, sản xuất lắp ráp xe trong nước và công nghiệp hỗ trợ.
Để ủng hộ cho công nghiệp hỗ trợ, linh kiện nội địa cần cạnh tranh hơn so với linh kiện nhập khẩu về chất lượng, chi phí và giao hàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam chậm phát triển là do doanh nghiệp vẫn ở mức tầm trung dù chính sách ưu đãi đã ở mức tối đa.
Cùng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận: “Về phía doanh nghiệp, tính tích cực, chủ động của doanh nghiệp cũng chưa cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp khoa học, và còn “yếu” trong tính minh bạch”.
Ngoài ra, cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, khi doanh nghiệp muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, một trong những tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng là sử dụng lao động phải theo chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được điều này và chưa xây dựng được thông tin sơ lược của doanh nghiệp. Vì vậy, trong quá trình hợp tác không tránh khỏi nhiều lúc “vướng” và sau 3 lần vướng thì doanh nghiệp dễ nản.