Ngành dịch vụ du lịch Việt Nam mới đáp ứng đc 60% nhu cầu nhân sự
00:36 | 08/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của chuyên gia tại “Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng từ 30 - 40%/năm, lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.
Cùng với sự bứt phá của ngành du lịch, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam được ghi nhận là đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản du lịch; tạo nên một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường bất động sản du lịch ở hầu khắp các địa phương đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ như vậy của lĩnh vực bất động sản du lịch, bên cạnh những cơ hội kinh doanh và đầu tư, không ít thách thức đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, khách hàng và đơn vị quản lý vận hành.
Cụ thể, áp lực tăng cao về hạ tầng và dịch vụ du lịch để đáp ứng cho nhu cầu của du khách, song hành cùng với sự đổ bộ của hàng loạt các dự án bất động sản du lịch lớn vào các địa phương có nhiều tiềm năng du lịch; Bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trước xu hướng phát triển này đang cần có lời giải… Còn đối với nhà đầu tư, sự chưa rõ ràng về pháp lý đối với một lĩnh vực có các sản phẩm không chỉ mới ở Việt Nam mà còn rất đặc thù cũng tiềm ẩn nhiều rùi ro trong kinh doanh; hay vấn đề làm thế nào để quản lý, khai thác vận hành dự án bất động sản du lịch một cách có hiệu quả và phát triển bền vững… đều là những băn khoăn lớn của các nhà đầu tư và khách hàng trên thị trường.
Đặc biệt là những thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành được các dự án bất động sản du lịch rất đặc thù và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao này; trong khi hệ thống đào tạo nhân lực trong nước cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tài chính Doanh nghiệp Tập đoàn Novaland chia sẻ, du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao,đóng góp trực tiếp 8% vào GDP, gián tiếp 14% GDP. Trong khi đó, lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 4%, dẫn đến mất cân đối khá lớn khi khách du lịch đổ về quá lớn trong 1 thời gian ngắn. Trong khi đó về chất lượng, hướng dẫn viên du lịch, khách du lịch độ 15 triệu năm 2018 nhưng tỉ lệ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh chỉ 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Hàn Quốc độ 2%.
Điều này cho thấy nguồn nhân lực có khả năng bị thua ngay trên sân nhà khi hướng dẫn viên du lịch nước ngoài tràn vào. Lực lượng từ nước ngoài nhảy vào Việt Nam, nội tại không đủ để chuẩn bị. “Hiện cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng đc 60% nhu cầu, chưa nói đến chất lượng", ông Phiên nhận định.
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, Giám đốc công ty nhân sự First Alliances Nguyễn Thạc Thắng cho rằng cần tập trung nhiều hơn vào đào tạo hay thuê các công ty tư vấn quản lý, tìm các khóa học nước ngoài nhằm giúp nhân sự phát triển nhanh hơn.
Đối với lao động phổ thông, hiện nay vẫn chưa đáp ứng, chủ đầu tư nên liên kết với các trường đào tạo, thuê giáo viên trường để giảng dạy cho nhân viên tùy theo chi phí của doanh nghiệp, nên có bộ phận đào tạo nội bộ cho các thế hệ tiếp theo. Khi thiết lập các resort tiếp theo, doanh nghiệp nên dùng nhân sự nội bộ có kinh nghiệm cao để đào tạo tại những nơi này. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn hạn chế. Đào tạo của Nhà nước lại không đủ để nhu cầu của doanh nghiệp. Nên liên kết với cao đẳng, đại học để đưa ra các tiêu chuẩn thực tế và cam kết tiếp nhận đầu ra.
Còn ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, trình độ, kỹ năng của các nhân viên khá yếu tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài.
Để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực, theo ông Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường BĐS là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.
Đồng thời, về dài hạn doanh nghiệp cần kết hợp với các trường, trung tâm đào tạo và tuyển sinh đào tạo ngành nghề một cách chuyên nghiệp và bài bản. Điều này giúp Việt Nam có được đội ngũ kế cận có kiến thức chuyên môn cao cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn theo xu thế phát triển của đất nước. Mặt khác, Nhà nước cần mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo du lịch để bổ sung nguồn nhân lực cho các khu du lịch. Đi kèm là các biện pháp kiểm soát chất lượng đào tạo cụ thể.
Ngoài ra, về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, với tư cách là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp về BĐS, Hiệp hội sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo, tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự các cấp cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề.