Ngành khách sạn: “Ngủ đông” để hoàn thiện và bứt phá sau dịch bệnh

18:00 | 25/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Có lẽ chưa bao giờ trong nhiều năm trở lại đây, du lịch Việt Nam lại ảm đạm như những tháng đầu 2020 khi lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng vì sự bùng phát và diễn biến khó lường của dịch COVID-19.

Chia sẻ với tạp chí điện tử Doanh nhân Việt về những khó khăn của ngành khách sạn trong thời gian qua, ông Phạm Anh Khoa - Giám đốc công ty TNHH QL, chủ khách sạn Anatole Hà Nội nhấn mạnh: “ngủ đông” là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong thời dịch bệnh, tuy nhiên, "ngủ" ở đây là "ngủ đông động". "Ngủ nhưng thức để sẵn sàng bật dậy bứt phá về đích năm 2020, 2021 và xa hơn nữa."

Ngành du lịch Việt Nam nói chung và khách sạn nói riêng đang chịu nhiều thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19.  Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà ngành du lịch và khách sạn đang gặp phải trong thời gian này?

Ông Phạm Anh Khoa: Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 3-4 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng ngoạn mục, với mức trung bình trên 20%/năm. Cụ thể, năm 2019 Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục với hơn 18,5 triệu lượt khách và dự báo năm 2020 là 20,5 triệu.

Tuy nhiên, việc bùng phát dịch bệnh COVID-19 từ tháng 12/2019 và kéo dài cho tới nay đang thực sự là cú sốc với ngành du lịch Việt Nam. Đến thời điểm này, dịch bệnh đã ảnh hưởng lên tất cả các mặt của các ngành kinh tế trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo các chuyên gia, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số…

Ngành khách sạn: “Ngủ đông” để hoàn thiện và bứt phá sau dịch bệnh - ảnh 1
 Ông Phạm Anh Khoa - Giám đốc công ty TNHH QL, Chủ khách sạn Anatole Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 3,56 triệu, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế chỉ 844.000 người. Tính riêng tháng 2, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 45,5%. Tổng thu từ khách du lịch giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, toàn bộ các tour du lịch từ Việt Nam đi nhiều nước cũng bị hủy bỏ vì dịch bệnh. Điều này khiến các công ty lữ hành, hàng không đứng trước nguy cơ bị hủy tour và thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến du khách lo sợ không dám đi tour trong nước và nước ngoài khiến công ty du lịch đứng trước nguy cơ bị các hãng hàng khôn phạt cọc.
Như vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, rất nhiều công ty du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển, nhà hàng, ... đứng trước nguy cơ bị phá sản. Bên cạnh đó, hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp do công ty bị phá sản, đóng cửa.
Trước những khó khăn chồng chất như thế, với cương vị là người đứng đầu khách sạn ông đã và đang triển khai những phương án nào để khắc phục tình trạng này?
 - Có thể nói, COVID-19 là dịch bệnh đầu tiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh khách sạn Việt Nam. Kể từ khi dịch bệnh khởi phát từ cuối tháng 12/2019 ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) khách hàng đã bắt đầu hủy phòng hàng loạt, cho đến nay gần như không còn các khách hàng đặt phòng ở khách sạn.
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, khách sạn Anatole vẫn hoàn trả lại toàn bộ số tiền khác đã đặt tour và dịch vụ. Đồng thời, thương thảo với các đối tác để cùng chia sẻ trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, bộ phận kinh doanh vẫn hoạt động liên tục bằng điện thoại và email để duy trì mối quan hệ và tìm nguồn khách hàng thay thế. Khách sạn cũng thông báo với khách hàng về những nỗ lực của mình trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh này. Mặt khác, dù khó khăn nhưng khách sạn tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, thông qua việc cung cấp các gói khuyến mại hấp dẫn như thực đơn giảm giá hay ăn miễn phí tại nhà hàng của khách sạn.
Song song với đó, để tồn tại trong mùa dịch, khách sạn đã thực hiện chiến lược tiết kiệm chi phí một cách hiệu quả. Trong chiến lược này ngoài việc nhân sự được luân chuyển, kiêm nhiệm, một số khác được khuyến khích nghỉ phép trước hạn, khách sạn cắt điện tại một số tầng không có khách ở, giảm điện một số nơi công cộng, giảm số lượng thang máy hoạt động để tiết kiệm chi phí điện và bảo trì.
Có thể thấy dịch COVID-19 không chỉ làm lượng khách lưu trú suy giảm trầm trọng mà đã gây nên những khủng hoảng về nhân sự tại hầu hết các khách sạn hiện nay, đặc biệt là các khách sạn nhỏ và vừa hay đang phải thuê mặt bằng… tất cả những khách sạn này đang hoản loạn tìm cách xoay sở. Cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, có nhiều khách sạn đã phải cắt giảm nhân sự, hay cho nhân viên nghỉ việc tạm thời, thậm chí còn phải đóng cửa để chờ dịch đi qua. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, khách sạn Anatole với hơn 50 cán bộ công nhân viên vẫn chưa ai phải nghỉ việc. Tôi vẫn cố gắng duy trì bằng cách giảm số ngày làm việc, cấp quản lý nhận 50 -80% lương, cắt giảm những chi phí không cần thiết… để giữ chân được nhân viên trong giai đoạn khó khăn này.
Theo quan điểm của tôi, để có được đội ngũ chuyên nghiệp phải mất rất nhiều công sức tuyển dụng và đào tạo nên cho nhân sự nào nghỉ việc cũng là bài toán vô cùng khó. Bên cạnh đó, trong lúc khó khăn này cũng là thời điểm để tôi cùng ban lãnh đạo khách sạn tự mình nhìn nhận lại, đánh giá các sản phẩm để sửa chữa, hoàn thiện, bổ sung chờ ngày lượng khách trở lại.
Ngành khách sạn: “Ngủ đông” để hoàn thiện và bứt phá sau dịch bệnh - ảnh 2
 Khách sạn Anatole Hà Nội.
Mặt khác, trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, để bảo bảo an toàn cho khách hàng và đội ngũ nhân viên, khách sạn Anatole luôn chú trọng tới các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Trong thời gian này, khách sạn đã bổ sung thêm các loại dung dịch sát khuẩn để nhân viên và khách hàng rửa tay, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho nhân viên và khách hàng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực hiện đeo khẩu trang đồng loạt và đo nhiệt độ ngày hai lần cho tất cả nhân viên khách sạn.
Với khách hàng đến lưu trú, khách sạn thực hiện đồng loạt các biện pháp như: khai báo y tế; đo nhiệt độ; phát khẩu trang và dung dịch rửa tay khô miễn phí; khu vực thang máy, tay nắm cửa, phòng lưu trú luôn được khử trùng bằng dung dịch  CloraminB hàng ngày để tránh lây nhiễm chéo… Khách sạn cũng quán triệt tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, không đón khách đến từ vùng dịch hay khách trong diện nghi vấn phải cách ly trong danh sách của công an thành phố gửi.
Mặc dù, khách sạn Anatole là khách sạn mới và đang chịu những tổn thất nặng nề do dịch COVID-19, song Ban lãnh đạo khách sạn luôn lấy “Sự an toàn của khách hàng và nhân viên làm ưu tiên cao nhất. Việc phòng chống dịch bên cạnh mục đích đảm bảo sức khỏe, tính mạng nhân viên và khách hàng còn nhằm tạo dựng hình ảnh Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh trong lòng du khách quốc tế.
Dịch COVID-19 đã khiến không ít các doanh nghiệp ngành khách sạn phải đóng cửa tạm ngừng kinh doanh. Theo ông, thời điểm này ngành khách sạn có nên nâng cấp chính mình để chuẩn bị cho sự bứt phá sao dịch bệnh không?
 -  Đại dịch COVID-19 đang tạo nên bức tranh tối màu cho các ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch, khách sạn nói riêng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chịu đầu hàng để mình “chìm” trong bóng tối, bởi “trong nguy có cơ”, “trong tối có sáng”. Đây chính là thời điểm để doanh nghiệp nhìn nhận lại mình, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại, nâng cấp để đưa ra những sản phẩm hoàn thiện để sãn sàng cho kinh doanh sau khi hết dịch.
Cụ thể, thời điểm này các doanh nghiệp nên dành thời gian cơ cấu lại hệ thống nhân sự, sản phẩm cho tinh gọn và tiết kiệm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết sản phẩm, cách phân phối, tập trung vào các thị trường mục tiêu để có thể hồi phục nhanh hơn.
Mặt khác trước tình trạng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, doanh nghiệp ngành khách sạn cần dũng cảm trong việc quyết định đóng cửa để tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh cùng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tôi đánh giá cao việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ thị hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giãn trả nợ vay.
Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp ngành khách sạn, các cơ quan chức năng cần có những gói kích cầu du lịch sau dịch. Tuy nhiên, để các các gói kích cầu này thực sự có hiệu quả, cần có những chính sách cụ thể, minh bạch về miễn giảm chi phí vé tham quan, phí đậu xe tại các điểm chờ khách tham quan…
Một số biện pháp khác có thể xem xét như miễn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi dịch virus kết thúc, giảm tiền sử dụng đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên. Đồng thời, mở rộng chính sách mở rộng chính sách miễn phí thị thực cho một số nước New Zealand, Úc … để tạo điều kiện cho khách du lịch tới Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!