Ngành sản xuất và xây dựng có thể là thước đo suy thoái kinh tế Mỹ
Từ thập niên 1970 trở về trước, các nhà kinh tế Mỹ tập trung sử dụng số liệu về ngành sản xuất và xây dựng (SX&XD) để dự báo tình hình kinh tế vĩ mô nói chung. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì số liệu sản xuất và xây dựng là các chỉ báo sớm (leading indicators), và những ngành này được coi là mang tính thuận chu kỳ (cyclical), có nghĩa là ngành SX&XD sa sút hoặc hưng thịnh tùy theo tình trạng suy thoái hay tăng trưởng của nền kinh tế tổng thể.
Theo EPB Research, trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế Mỹ ít mang tính chu kỳ hơn, bằng chứng là tỷ trọng số việc làm SX&XD ngày càng giảm và tỷ trọng việc làm trong các ngành dịch vụ đi lên rõ rệt.
Biểu đồ số 1 cho thấy số việc làm SX&XD hiện nay gần như không đổi so với thập niên 1940, trong khi số việc làm dịch vụ đã lên gấp 6 lần và chiếm 86% tổng số việc làm phi nông nghiệp.
Từ 1942 đến nay, kinh tế Mỹ đã trải qua 13 cuộc suy thoái, theo đánh giá của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Cuộc suy thoái gần đây nhất và cũng là gắn nhất xảy ra khi toàn nền kinh tế đóng băng vì các lệnh phong tỏa gắt gao trong ba tháng 2, 3 và 4/2020 vì đại dịch COVID-19.
Do cuộc suy thoái năm 2020 có nguyên nhân đặc thù xuất phát từ lĩnh vực y tế nên các phân tích sau đây sẽ chỉ xét đến những lần suy thoái thông thường trước đó.
Trong 12 cuộc suy thoái từ năm 1945 đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009, tỷ trọng việc làm sản xuất và xây dựng trên tổng việc làm đã giảm sút từ khoảng 39% xuống còn 15%.
Tình trạng thâm hụt thương mại triền miên của Mỹ và làn sóng chuyển nhà máy sang các nước có giá nhân công rẻ hơn đã khiến cho ngành sản xuất ở Mỹ gặp vô vàn thách thức.
Ngành sản xuất và xây dựng ngày càng tỏ ra ít quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng trong các cuộc suy thoái gần đây, mức sụt giảm việc làm sản xuất và xây dựng vẫn chiếm phần lớn trong mức giảm tổng thể.
Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 bắt đầu từ hoạt động cho vay dưới chuẩn bất động sản rồi lan rộng khắp ngành ngân hàng. Trong ba năm từ 2008 đến 2010, đã có 322 ngân hàng thương mại sụp đổ. Nhiều tổ chức tài chính khác phải thu hẹp quy mô hoạt động, sa thải bớt nhân viên, …
Nhiều người sẽ nghĩ rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ ghi nhận lượng lao động bị cắt giảm nhiều nhất, nhưng thực tế là ngành sản xuất và xây dựng mới là lĩnh vực mất nhiều việc làm nhất.
Tại đáy của cuộc Đại suy thoái vào tháng 2/2010, tổng số việc làm trong nền kinh tế giảm 8,7 triệu người so với đỉnh ba năm; riêng ngành SX&XD đã giảm tới 4,7 triệu việc làm, tương đương 54% mức giảm chung. Các ngành dịch vụ chỉ mất 4,4 triệu việc làm so với đỉnh cũ, mặc dù tổng số việc làm lớn gấp nhiều lần lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
Biểu đồ 3 cho thấy trong 12 cuộc suy thoái từ 1945 đến 2009, phần lớn hoặc thậm chí là tất cả số việc làm mất đi trong nền kinh tế đều đến từ ngành sản xuất và xây dựng, thể hiện bằng đường màu đỏ gần sát với đường màu tím.
So với các ngành dịch vụ, SX&XD luôn mất nhiều việc làm hơn trong các cuộc suy thoái, như thể hiện bằng đường màu đỏ luôn xuống thấp hơn nhiều so với đường màu xanh trong Biểu đồ 4.
Cần lưu ý rằng tổng số việc làm trong ngành sản xuất và xây dựng luôn nhỏ hơn so với số việc làm trong ngành dịch vụ, ví dụ vào năm 2009 chỉ bằng 1/6. Vì vậy, tỷ lệ suy giảm cũng có chênh lệch rất lớn. Năm 2010, tỷ lệ mất việc làm trong ngành dịch vụ chỉ là 3,8%, trong khi với ngành SX&XD lên tới 21,8%.
Ngành sản xuất và xây dựng đi trước về sau
Ngoài việc luôn giảm mạnh hơn, số lao động trong ngành SX&XD còn luôn suy giảm trước so với ngành dịch vụ trong các cuộc suy thoái. Khi nền kinh tế hồi phục, việc làm SX&XD lại tăng trưởng chậm hơn so với việc làm dịch vụ.
Như thể hiện trực quan trong Biểu đồ 4, đường màu đỏ (sản xuất và xây dựng) bắt đầu giảm trước đường màu xanh (dịch vụ) và mất nhiều thời gian hơn để quay lại trạng thái ban đầu.
Nguyên nhân của thực trạng này là khi nền kinh tế mới có dấu hiệu suy thoái, các hộ gia đình sẽ lập tức cắt bớt những khoản chi tiêu có giá trị lớn như nhà cửa, xe hơi, tàu thuyền, … dẫn tới các doanh nghiệp giảm lao động sản xuất và xây dựng.
Những khoản chi nhỏ hơn cho các loại dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, giải trí … cũng bị cắt giảm, nhưng chậm hơn và với mức độ thấp hơn so với ngành SX&XD.
Theo nghiên cứu của EPB Research, một cách diễn giải khác là khi người lao động mất việc làm và thu nhập từ ngành SX&XD, chi tiêu cho ngành dịch vụ cũng sẽ ít đi và dẫn tới việc làm dịch vụ bị cắt giảm.
Những thống kê trên đây cho thấy các phân tích về tình hình việc làm trong thời kỳ suy thoái cần tập trung vào ngành sản xuất và xây dựng. Số lượng việc làm trong ngành SX&XD hiện nay tương đối nhỏ so với ngành dịch vụ cũng như so với những thập kỷ trước, nhưng đa số việc làm bị cắt giảm trong suy thoái vẫn đến từ ngành SX&XD.
Bên cạnh đó, theo dõi biến động việc làm SX&XD còn giúp phán đoán thời điểm suy thoái bắt đầu, vì lao động trong ngành SX&XD luôn bị cắt giảm đầu tiên, theo dõi số liệu việc làm ngành dịch vụ không có tác dụng dự báo suy thoái.
Bảng thống kê dưới đây cho thấy: Trong tháng đầu tiên của 12 cuộc suy thoái từ 1945 đến 2009, tổng số việc làm giảm 5 lần, tương ứng với xác suất 42%. Nói cách khác, trong 58% số lần suy thoái bắt đầu, tổng việc làm trong nền kinh tế vẫn đang ở đỉnh, chưa suy giảm.
Việc làm trong ngành sản xuất và xây dựng giảm trong tháng đầu tiên của 11 trên tổng số 12 cuộc suy thoái, tức là xác suất 92%. Tốc độ giảm của việc làm SX&XD cũng luôn lớn hơn tỷ lệ giảm của thị trường lao động nói chung.
Việc làm trong ngành dịch vụ đang ở mức đỉnh trong tháng đầu tiên của tất cả 12 cuộc suy thoái. Sau khi suy thoái đã diễn ra được một thời gian, việc làm trong ngành dịch vụ mới bắt đầu bị cắt giảm.
Năm 1973 là lần duy nhất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái khi thị trường lao động nói chung cũng như ngành dịch vụ, sản xuất và xây dựng nói riêng chưa bị suy giảm việc làm. Vì vậy, vẫn có khả năng cuộc suy thoái năm 2023 đã hoặc sẽ bắt đầu mà không có dấu hiệu báo trước, nhưng xác suất là khá nhỏ.
Nhìn chung, nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích kinh tế cần tập trung vào số liệu lao động ngành sản xuất và xây dựng để dự báo và đánh giá khi nào nền kinh tế rơi vào suy thoái, mặc dù tỷ trọng việc làm SX&XD đi xuống trong những thập kỷ gần đây.
Số lượng lao động trong các ngành cung cấp dịch vụ tại Mỹ liên tục tăng từ 22,4 triệu trong năm 1942 (chiếm 58,5% tổng số) lên 134,1 triệu vào tháng 4/2023 (chiếm hơn 86%). Nhưng một thực tế không thay đổi là biến động số liệu việc làm trong ngành dịch vụ thấp hơn và chậm hơn so với ngành sản xuất và xây dựng, không có tác dụng dự báo suy thoái.
Dấu hiệu trên thị trường lao động Mỹ hiện nay
Từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 10 lần liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát.
Liên tục từ tháng 3/2022 đến tháng 2 năm nay, số việc làm trong ngành sản xuất và xây dựng đều phá đỉnh lịch sử. Sau đó, số việc làm giảm nhẹ 0,09% trong tháng 3/2023 nhưng rồi lại một lần nữa lập đỉnh vào tháng 4.
Tổng số việc làm trong nền kinh tế và số việc làm trong các ngành dịch vụ đã phá đỉnh liên tiếp từ tháng 5/2022 đến tháng 4/2023.
Những thống kê trên thị trường lao động này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa rơi vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện nay là 3,4%, thấp nhất kể từ 1969. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) – cơ quan có chức năng xác định khi nào suy thoái ở Mỹ bắt đầu và kết thúc – vẫn chưa tuyên bố Mỹ suy thoái dù GDP suy giảm trong hai quý liên tiếp đầu năm 2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và nhiều quan chức chính phủ khác cũng lập luận rằng một nền kinh tế không thể bị coi là suy thoái khi liên tục tạo ra việc làm mới.