Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu

14:46 | 20/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, việc vận chuyển vaccine COVID-19 khắp thế giới cần tương đương 8.000 chiếc Boeing 747.

Chỉ 15% các hãng hàng không tự tin cho việc vận chuyển vaccine COVID-19

 
Cuộc khảo sát gần đây do một Hiệp hội vận tải hàng không và tổ chức vận chuyển thuốc thực hiện cho thấy chỉ có 15% các hãng trong ngành hàng không cảm thấy tự tin và sẵn sàng trong việc vận chuyển hàng hóa cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.

Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu - ảnh 1
Chỉ 15% các hãng hàng không tự tin cho việc vận chuyển vaccine COVID-19 ra thế giới. Ảnh: CNA.

Đây là nhiệt độ điều kiện mà công ty dược phẩm Pfizer đặt ra để đảm bảo an toàn cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng này trong quá trình vận chuyển. Đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna, có 60% các hãng hàng không đạt tiêu chuẩn bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C.

Để đáp ứng nhu cầu đảm bảo nhiệt độ bảo quản vaccine, các hãng hàng không hiện xem xét các phương án khác nhau, từ việc trang bị một tủ cấp đông cỡ lớn có giá trị ngang với một chiếc ô tô nhỏ cho đến hộp chứa với nhiều lớp nitơ lỏng giữ lạnh.

Nhu cầu tăng cao đối với các thùng giữ lạnh đã giúp cổ phiếu của các công ty sản xuất container như Cryoport và va-Q-tec tăng gấp đôi trong những tháng gần đây.

Theo hãng tin Reuters, thông thường, các hãng hàng không sử dụng thùng chứa container với các vật liệu làm lạnh như đá khô để bảo quản các hàng hóa dược phẩm, thuốc men. Tuy nhiên, một số hãng hàng không không có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, từ đó dễ khiến sản phẩm gặp phải các sự cố không lường trước được như khi hoãn chuyến bay.

"Đã ký hợp đồng với 5 nhà sản xuất container có sẵn hệ thống kiểm soát nhiệt độ, Korean Air đảm bảo đủ số lượng container đạt chuẩn. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình ký hợp đồng với các nhà sản xuất khác", người phát ngôn của Korean Air thông báo.
 
Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu - ảnh 2
Nhu cầu tăng cao đối với các thùng giữ lạnh đã giúp cổ phiếu của các công ty sản xuất container như Cryoport và va-Q-tec tăng gấp đôi trong những tháng gần đây. Ảnh: Emirate SkyCargo

Hãng hàng không Air France của Pháp cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm với một nhà sản xuất thuốc, với mục tiêu vận chuyển các mẫu thuốc ở nhiệt độ cực thấp, tại sân bay Schiphol ở Amsterdam. Hãng hàng không này sẽ sử dụng các thùng có sức chứa lên tới 5.000 liều vaccine và giữ lạnh bằng đá khô.

Quản lý vận tải hàng không của Air France ông Béatrice Delpuech nhấn mạnh: “Họ cần xác nhận toàn bộ chuỗi vận chuyển từ đầu đến cuối, bao gồm cả vận tải hàng không. Chúng tôi có một đội chuyên trách kiểm tra từng quy trình để đảm bảo rằng không có bất kỳ trở ngại ở khâu nào”.

Ngày 16/11, Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ thông báo vaccine thử nghiệm mRNA-1273 của hãng này đã phát huy hiệu quả tới 94,5% trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của Pfizer. Moderna hy vọng vaccine có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ - 20 độ C.
 
Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu - ảnh 3
Loạt tủ cấp đông trữ ứng viên vaccine ngừa COVID-19 tại một cơ sở của Pfizer ở Puurs, Bỉ. Ảnh: Reuters

So sánh với mRNA-1273, vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer được công bố thử nghiệm thành công vào tuần trước chỉ có thể bảo quản trong 5 ngày với nhiệt độ từ -70 đến -103 độ C.

Theo các nhà phân tích của Barclays, tính ổn định của vaccine mRNA-1273 sẽ có khả năng giúp loại thuốc này được phân phối rộng rãi hơn so với vaccine BNT162b2 của Pfizer. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng Pfizer đang nghiên cứu một phiên bản vaccine dạng bột, ổn định ở nhiệt độ phòng.
 

Cần 8.000 chiếc Boeing 747 cho việc phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu 

 
Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, việc vận chuyển vaccine COVID-19 khắp thế giới cần tương đương 8.000 chiếc Boeing 747.

IATA đã làm việc với các hãng hàng không, sân bay, cơ quan y tế toàn cầu và hãng dược quốc tế về kế hoạch vận chuyển vaccine COVID-19. Theo BBC, chương trình phân phối được xây dựng trên ý tưởng mỗi người chỉ cần một liều vaccine.

"Đảm bảo vận chuyển an toàn vaccine COVID-19 sẽ là sứ mệnh thế kỷ của ngành vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu. Nó sẽ không thể diễn ra nếu không lên kế hoạch cẩn thận từ trước", lãnh đạo IATA Alexandre de Juniac nhấn mạnh.
 
Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu - ảnh 4
IATA ước tính hoạt động phân phối vaccine COVID-19 trên toàn cầu cần khoảng 8.000 chiếc máy bay vận tải hành khách cỡ lớn. Ảnh: Reuters

Các hãng hàng không thời gian qua chuyển đổi trọng tâm sang vận chuyển hàng hóa khi số chuyến bay vận tải hành khách giảm mạnh vì đại dịch. Tuy nhiên, vận chuyển vaccine là công việc phức tạp hơn nhiều.
 
Việc vận chuyển cần "sự chính xác gần như kiểu quân đội". Mạng lưới địa điểm cất trữ vaccine phục vụ vận chuyển trên toàn cầu cũng cần bổ sung các kho lạnh. Không phải máy bay nào cũng thích hợp cho vận chuyển vaccine. Nhiệt độ trong máy bay vận chuyển dược phẩm cần được giữ trong 2-8 độ C. Một số loại thuốc còn đòi hỏi nhiệt độ dưới 0.

Hughes nhấn mạnh vận chuyển vaccine bằng đường hàng không có ý nghĩa quan trọng với những khu vực không đủ năng lực tự sản xuất, trong đó có Đông Nam Á. Trong khi đó, việc phân phát vaccine khắp châu Phi hiện là nhiệm vụ bất khả thi vì sự thiếu hụt năng lực vận tải, diện tích châu lục và tình hình phức tạp giữa các biên giới.

IATA nhấn mạnh an ninh là vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với phân phát vaccine, bên cạnh phương diện cất trữ và vận chuyển ở nhiệt độ thấp.
 
Ngành vận tải hàng không cần 8.000 chiếc Boeing 747 phân phối vaccine COVID-19 đi toàn cầu - ảnh 5
Vaccine Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya (Nga) phát triển. Ảnh: Tass
 
IATA đã kêu gọi chính phủ các nước lên kế hoạch ngay từ lúc này, đảm bảo hoàn toàn sẵn sàng một khi các loại vaccine COVID-19 được cấp phép và lưu hành. Hiện có khoảng 140 vaccine đang ở giai đoạn đầu phát triển trên thế giới và hơn 20 vaccine đã tiến vào các bước thử nghiệm lâm sàng.

"Vaccine sẽ là hàng hóa mang giá trị rất cao. Cần sắp xếp đảm bảo các chuyến hàng này được bảo vệ trước mọi âm mưu làm giả hoặc trộm cắp", IATA cảnh báo.
 
Quy trình thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ở Mỹ. Nguồn: Zing
 
Hải Yến