Ngày chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5: Nhiều vấn đề 'nóng'

14:25 | 05/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày 4/6, ngày chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nhiều vấn đề “nóng” đã được đưa ra như BOT, “sốt đất” tại ba đặc khu, tai nạn đường sắt, ô nhiễm môi trường…

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sự yếu kém của ngành đường sắt và hướng phát triển đối với phương tiện giao thông đặc thù này.

Chiều 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp, sốt đất.

Thừa nhận chưa hoàn thiện thể chế về BOT

Ngày chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5: Nhiều vấn đề 'nóng' - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn  
Trả lời vấn đề “nóng” về xử lý các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết chủ trương phát triển BOT là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay vì ngân sách của chúng ta rất hạn chế, nợ công đang ở mức cao. Việc triển khai rất quyết liệt những dự án BOT đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Việc quản lý, đấu thầu, tổ chức khai thác các trạm BOT thời gian qua còn nhiều bất cập và được xã hội rất quan tâm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận thể chế về BOT chưa hoàn thiện. Sai phạm trong thực hiện các dự án BOT đã được thanh tra, kiểm tra, Bộ đang tiếp thu, khắc phục triệt để. Đảng, Nhà nước sẽ giao cho các ngành chức năng như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương làm ảnh hưởng đến người dân. Bộ Giao thông vận tải quán triệt trong ngành làm nghiêm túc, chỉ rõ sai phạm, cương quyết xử lý cán bộ thuộc quyền.

Đã đến lúc dự án đường sắt Bắc-Nam cần được thông qua

Không tán thành với lý do tham mưu kém của ngành đường sắt, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ngành đường sắt Việt Nam gần như bị “bỏ rơi”. Ông Quốc đặt câu hỏi phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn vì có thể cắt nhỏ ra nhiều hợp đồng... còn đường sắt thì không những đầu tư lớn mà chúng ta phải làm tổng thể nên không mang lại lợi ích cho những “nhóm lợi ích?”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt cần đầu tư rất lớn. Các dự án có thể lên tới cả chục tỷ USD. Sau khi đưa ra bàn, Quốc hội cũng rất đắn đo vì đây là nguồn kinh phí lớn; nếu làm thì phải làm đường song hành chứ không thể chắp vá, sửa đường độc đạo hiện nay. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì thực hiện các dự án đường sắt, nhưng đáng tiếc trong thời gian vừa qua, chưa có dự án đường sắt làm mới nào được thông qua.

Về bình luận đầu tư đường bộ nhiều hơn vì có lợi ích nhóm, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân, là người làm giao thông rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt.

“Cá nhân tôi cho rằng, làm dự án đường sắt, làm dự án đường bộ đều như nhau vì bản thân tôi lấy cái tâm ra để làm. Nếu tôi có vi phạm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định đã đến lúc dự án đường sắt Bắc-Nam cần được thông qua. Không có tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ là hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế, xã hội.

 “Sốt đất” đặc khu: Năng lực quản lý chưa theo kịp giao dịch ngầm

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm đòi hỏi phải trách nhiệm sáng suốt và có tầm nhìn. Hiện nay, thị trường đất đai ở các địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. Đại biểu Trí đặt câu hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng, tương lai phát triển là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để phòng ngừa tình trạng này.

Ngày chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5: Nhiều vấn đề 'nóng' - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.  
Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm.” Cách đây mấy năm, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra.

Vấn đề “sốt đất” là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Những giao dịch này được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ việc đưa ra nội dung trong Chỉ thị của các Ủy ban nhân dân về dừng chuyển nhượng đất đai tại một số địa phương là không phù hợp pháp luật hiện nay.

Thay vào đó, ông đề nghị Quốc hội nên ban hành Nghị quyết có quy định mang tính đặc thù quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời điểm này, các địa phương cần xem lại hồ sơ đất đai để quản lý chặt, từ đó, tính toán đền bù đảm bảo công bằng, để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai như vừa qua.

Chủ động áp dụng biện pháp công nghệ trong giám sát ô nhiễm

Khẳng định “Các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể ví như những u nhọt của môi trường sống,” đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) cho biết qua bốn năm thực hiện Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đến ngày 31/12/2017 mới xử lý được 229 cơ sở vi phạm, đạt 62,56% kế hoạch của giai đoạn.

Cho rằng kết quả như vậy là khá thấp, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi thêm về trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương để Kế hoạch trên tiếp tục được thực hiện tốt hơn trong giai đoạn sau.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc xử lý vi phạm gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Theo Bộ trưởng, cơ chế cấp kinh phí là 50-50 giữa Trung ương và địa phương, nhưng nhiều địa phương không có nguồn thu, thậm chí chi nhiều hơn thu. Đây là vấn đề đã, đang tồn tại bởi nguồn ngân sách ở mỗi cấp đều có hạn và “Nhà nước phải đầu tư, không tư nhân nào làm việc này cả vì không có lợi nhuận.”

Về vấn đề ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm xử lý cụ thể ở đây là của các địa phương, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm vai trò chủ đạo dẫn dắt của bộ trong giải quyết vấn đề, từ giải pháp đến lộ trình xử lý để các địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các công trình công, công trình tư ô nhiễm để có biện pháp xử lý. Cần có chính sách mới, chế tài mới đối với các cơ sở gây ô nhiễm không phải do nguồn gốc đầu tư từ Nhà nước trước đây, Bộ trưởng đề xuất.

Trả lời chất vấn đại biểu Phan Viết Lượng về nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, có ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là nguyên nhân khách quan từ chủ trương thu hút đầu tư, năng lực của các doanh nghiệp, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp. Thứ hai là năng lực kiểm tra, giám sát, kiểm soát các đối tượng cần quản lý của ngành tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý vẫn chưa sẵn sàng các biện pháp phòng ngừa đối với những hành vi như xả thải trộm ra môi trường để thường xuyên có giám sát, kiểm soát; trong khi hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu thực tế đang ngày càng cao.

Phân tích về giải pháp nhằm kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: Cần rút ra bài học từ khâu đánh giá tác động môi trường, đến khâu phân loại các lĩnh vực đầu tư sản xuất để khoanh lại những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao, xác định rõ những doanh nghiệp cần quan tâm thường xuyên tập trung để quản lý, không quản lý theo phương thức thiếu rõ ràng như hiện nay.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ quan quản lý cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ, đối với những khu vực khó có thể giám sát thường xuyên phải có hệ thống quan trắc tự động về không khí, nước... Các hệ thống này sẽ tự động chuyển số liệu đến các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương để giám sát để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

Về vấn đề thiếu hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ví dụ: “Khi thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi chúng ta về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy,” Bộ trưởng cho rằng hình thức thanh tra hiện nay cũng cần thay đổi, không đơn thuần là thanh tra thường xuyên mà cần thực hiện nhiều hơn những đợt thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần và thực tế công nghệ sản xuất không thể khắc phục được, cần tiến hành yêu cầu đình chỉ hoạt động.