Ngày cuối tuần đẫm máu ở Myanmar: Hơn 80 người biểu tình thiệt mạng
Lực lượng an ninh Myanmar được cho là đã sử dụng lựu đạn và súng trường để giải tán đám đông người biểu tình phản đối đảo chính, khiến hơn 80 thiệt mạng.
Reuters dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, có hơn 80 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng an ninh ở thị trấn Bago, gần thành phố Yangon vào đêm ngày 9/4 và 10/4.
Một người biểu tình bị thương khi đụng độ với cảnh sát
Các nhân chứng và phương tiện truyền thông của Myanmar cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn và súng trường để trấn áp cuộc biểu tình một cuộc biểu tình ở Bago. AAPP và cổng thông tin Myanmar Now cho biết số người thiệt mạng cụ thể là 82 người.
Theo số liệu được AAPP công bố trước đó, tính đến ngày 8/4 đã có hơn 600 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp biểu tình phản đối cuộc đảo chính tại Myanmar. Nếu thông tin trên được xác nhận thì số người biểu tình thiệt mạng có thể lên đến 700 người. Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Ngày hôm nay, Reuters cũng đưa tin về một vụ tấn công của một nhóm vũ trang vào 1 trụ sở cảnh sát ở Naungmon thuộc bang Shan (Myanmar) khiến ít nhất 10 cảnh sát thiệt mạng.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar vẫn chưa lắng xuống ngay cả khi người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói rằng làn sóng biểu tình đang suy yếu và các hoạt động của chính phủ sẽ sớm trở lại bình thường. Tướng Zaw Min Tun cũng cho biết quân đội Myanmar ghi nhận 248 người biểu tình và 16 cảnh sát thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và phủ nhận lực lượng an ninh sử dụng vũ khí tự động để đẩy lùi các cuộc tuần hành.
Quân đội Myanmar cũng đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tháng trong tháng 4. Lệnh ngừng bắn này của quân đội được cho là nhằm hòa hoãn với các nhóm vũ trang thiểu số - lực lượng đứng về phía người biểu tình phản đối binh biến. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy, lệnh ngừng bắn này cũng không ngăn được người biểu tình và các nhóm vũ trang thiểu số.
Nhóm 18 đại sứ tại Myanmar, gồm Mỹ, Anh, EU, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt bạo lực, thả tù chính trị và khôi phục nền dân chủ tại nước này.
Kyaw Moe Tun, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc, ngày 9/4 kêu gọi thiết lập vùng cấm bay, áp lệnh cấm vận vũ khí, phong tỏa tài khoản ngân hàng và thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào quân đội nước này.
H.A