Nghề kinh doanh: Cơ hội phát triển mới để trở thành để trở thành mũi nhọn trong 10 năm tới

19:17 | 20/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh doanh là gì? Tại sao ngành kinh doanh được khẳng định vẫn sẽ liên tục đứng vững top đầu trong 10 năm tới? Cơ hội việc làm và những kỹ năng cần có để trở thành một doanh nhân thành công có khó không?

Nghề kinh doanh là gì?

Kinh doanh là toàn bộ những hoạt động có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc sản xuất, mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ đổi lấy tiền hoặc lợi nhuận. Do đó, từ người bán rong, hộ gia đình hay các công ty, tổ chức, ngân hàng,… đều là người tham gia kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh phải chịu rủi ro và sự không chắc chắn. Không phải ai tham gia kinh doanh cũng đạt được lợi nhuận. Để trở thành doanh nhân thành đạt luôn cần có những phẩm chất kỹ năng thật tốt.

Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, kinh doanh luôn là một trong những ngành hấp dẫn các bạn trẻ năng động. Hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp phải không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nghề kinh doanh: Cơ hội phát triển mới để trở thành để trở thành mũi nhọn trong 10 năm tới - ảnh 1

Kinh doanh luôn là một trong những ngành hấp dẫn với mức thu nhập cao. 

Có 3 hình thức kinh doanh chính là: Doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ.

Ngành kinh doanh gồm các loại như: Nông nghiệp và khai thác, dịch vụ tài chính, thông tin, kinh doanh vận tải, dịch vụ công cộng, sản xuất, bán lẻ và phân phối, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ.

Các hoạt động trong ngành kinh doanh như: Kế toán, tài chính, sản xuất, tiếp thị, bán hàng, nghiên cứu và phát triển, quản trị doanh nghiệp.

Cơ hội việc làm của nghề kinh doanh có cao không?

Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã mở rộng và phát triển với tốc độ chóng mặt cả về đơn vị khởi nghiệp startups, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, liên doanh, doanh nghiệp hoạt động ngoài nước… Đây là cơ hội lớn về số lượng cơ hội việc làm trong ngành kinh doanh. 

Trong đó, trong giai đoạn 2018-2025, TPHCM có xu hướng không ngừng tăng số lượng các doanh nghiệp mới nên là nơi cần nguồn lao động cao với chỉ tiêu khoảng 300.000 người/năm. Nhóm kinh tế, kinh doanh, quản trị, quản lý chiếm tỷ trọng bình quân 20% trong tổng nhu cầu nhân lực. Con số này tăng lên khoảng 30% tại các thành phố, đô thị lớn theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đánh giá.

Nghề kinh doanh: Cơ hội phát triển mới để trở thành để trở thành mũi nhọn trong 10 năm tới - ảnh 2

Trong năm 2021 và xu thế 10 năm tiếp theo, kinh doanh vẫn luôn chiếm top đầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá, kinh doanh là một trong 10 nghề sẽ bùng nổ trong năm 2021. Đây cũng là lĩnh vực luôn nằm trong top những nghề có thu nhập cao nhất. Được biết, các cố vấn, chuyên gia kinh doanh có đầu óc xuất chúng, sở hữu nhiều năm kinh nghiệm có thể nhận mức thu nhập lên tới khoảng 78.000 USD/năm (1,8 tỷ đồng) theo Emolument. 

Đồng thời, thách thức về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng từng bước được giải quyết.  Nắm bắt nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động, các trường đại học chú trọng xây dựng một môi trường học chất lượng với nhiều chuyên ngành liên quan như là quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế, thương mại, ngoại thương, marketing, logistics…

11 công ty lớn ngành kinh doanh lọt top VNR500

CÔNG TY TNHH SAMSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM THÁI NGUYÊN

Sản xuất, kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, viễn thông…

TẬP ĐOÀN XĂNG DẦU VIỆT NAM

Kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm liên quan

TẬP ĐOÀN VINGROUP - CTCP

Kinh doanh bất động sản

TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

Khai thác, kinh doanh than và hoạt động hỗ trợ

CÔNG TY CP ĐẦU TƯ THẾ GIỚI DI ĐỘNG

Bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin

CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN VÀNG BẠC ĐÁ QUÝ DOJI

Bán lẻ vàng, bạc và kim loại quý khác

CÔNG TY CP CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

CÔNG TY CP ÔTÔ TRƯỜNG HẢI

Sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy, xe có động cơ và phụ kiện

CÔNG TY CP SỮA VIỆT NAM

Sản xuất, chế biến và kinh doanh sữa, sản phẩm từ sữa

TẬP ĐOÀN BẢO VIỆT

Kinh doanh bảo hiểm

CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN MASAN

Tập đoàn đa ngành, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, gia vị

Các kỹ năng cần thiết để trở thành một salesman giỏi

Kinh doanh là một ngành nghề có cơ hội việc làm lớn chắc hẳn cũng không thiếu thách thức vì tính cạnh tranh rất lớn, công việc luôn yêu cầu sự phát triển và thích nghi liên tục với thị trường hay biến động, thường phải đối mặt với KPI về doanh số cứng nhắc...

Để vượt qua những khó khăn này, một người làm kinh doanh giỏi cần hội tụ được các kỹ năng hay tính cách quan trọng sau đây:

Kỹ năng giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ

Một trong những mấu chốt cho sự thành công của một nhân viên kinh doanh là có được kỹ năng giao tiếp linh hoạt, uyển chuyển và biết xây dựng một mạng lưới quan hệ bền vững với khách hàng.

Thông qua cách nói chuyện trôi chảy với nhiều loại khách hàng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, người làm kinh doanh mới có thể gây ấn tượng tốt, tạo cho đối phương một cái nhìn tích cực, thân thiện và gần gũi. 

Nghề kinh doanh: Cơ hội phát triển mới để trở thành để trở thành mũi nhọn trong 10 năm tới - ảnh 3

Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán và xây dựng quan hệ là điều một doanh nhân không thể nào thiếu.

Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp bạn tiếp cận chính xác nhu cầu thực tiễn và điều kiện kinh tế của khách hàng, nói đúng thứ mà người tiêu dùng đang muốn biết, từ đó đưa ra lời khuyên mua sắm hợp lý. Về lâu dài, khách hàng sẽ có xu hướng mua hàng và cộng tác lâu dài hơn.

Điều này góp phần giúp bạn gia tăng uy tín cá nhân cũng như của doanh nghiệp, tạo dựng một mạng lưới các mối quan hệ thân thiết, đồng thời cũng là cơ hội hợp tác lâu bền với khách hàng. Họ cũng có thể đem tới những khách hàng tiềm năng khác cho bạn khi giới thiệu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ.

Kỹ năng đàm phán, thương thuyết hợp đồng

Nhân viên kinh doanh phải có khả năng đàm phán hợp đồng vì người bán hay người mua đều mong muốn có được lợi ích tối đa trong một thương vụ. Nếu bạn không thể làm chủ được cơ hội diễn ra trên bàn đàm phán thì tiền và lợi nhuận của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Với kỹ năng thương thuyết hợp đồng, bạn vừa có thể giữ được lợi nhuận cho công ty mà không ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng bằng cách đưa ra những giao kèo với các điều khoản hợp lý, phù hợp với nhu cầu của tất cả các bên. Đừng quên, yếu tố chủ chốt trong một mối quan hệ làm ăn lâu dài và bền vững là "thuận mua vừa bán".

Khả năng chịu đựng áp lực cao

Nhân viên bán hàng là người chịu đựng nhiều áp lực vì hàng ngày phải đối mặt với vô số khách hàng với rất nhiều tình cách khác nhau, có người khó tính, có người dễ chịu, cũng có người rất thái quá. Nhưng dù khách hàng là ai, bạn đều phải thể hiện thái độ niềm nở, chân thành thì mới có thể tiếp cận và thuyết phục họ, đem cho họ sự thoải mái và yên tâm để chọn lựa, mua sắm.

Bên cạnh đó, áp lực đến từ doanh số bán hàng cũng là điều mà nhân viên sales luôn đau đầu. Hầu hết, lương cứng của nghề này thường không cao mà chủ yếu phụ thuộc vào phần trăm chia hoa hồng từ các hợp đồng và doanh số. Vì thế, đây là nhân tố trực tiếp quyết định tiền lương và thu nhập của bạn. 

Sự năng động và tính kiên nhẫn

Nhân viên kinh doanh thường phải liên tục di chuyển để tiếp cận và mở rộng mạng lưới khách hàng, đưa họ đi xem sản phẩm, phục vụ và tư vấn cho khách. Đặc biệt nếu bạn theo ngành sales bất động sản, việc đi lại càng rắc rối và vất vả hơn. Nhiều khi đi lại cả ngày đường nhưng khách hàng không ưng ý thì cũng “xôi hỏng bỏng không”.

Do vậy, bạn vừa phải có tinh thần năng động, mạnh dạn khi gặp gỡ khách hàng, lại vừa phải có tính kiên nhẫn để đối mặt với những lời từ chối.

Những doanh nhân nổi tiếng trong ngành kinh doanh

Ông Phạm Nhật Vượng -  Chủ tịch Tập đoàn Vingroup 

Ông chủ Vingroup là người được Forbes ví như “Donald Trump của Việt Nam”. Ông là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới và xếp thứ 344 trong năm 2021, tăng cao hơn thứ hạng trong năm 2020 và là người giàu nhất Việt Nam. 

Nghề kinh doanh: Cơ hội phát triển mới để trở thành để trở thành mũi nhọn trong 10 năm tới - ảnh 4

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong những doanh nhân thành công nhất Việt Nam.

Ông khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền, nay đã sở hữu khối bất động sản trải khắp Việt Nam, trong đó có không ít khu vực “đất vàng” với giá trị lớn. Người ta nhận xét về ông là: “Trong 24 giây, tỷ phú Vượng kiếm tiền bằng một người Việt làm cả năm". 

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai

Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào Danh sách Doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2011. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, khởi nghiệp từ một xưởng mộc nhỏ và sau đó mở rộng kinh doanh hàng nội thất và các lĩnh vực khác. 

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho chính tay ông sáng lập và gầy dựng, trở thành một trong những “ông lớn” trên thị trường kinh doanh khoáng sản, gỗ, cao su, địa ốc…

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Vua cà phê Việt Nam

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Forbes đặt cho danh vị “zero to hero” khi thể hiện tư duy kinh doanh cực kỳ bản lĩnh, đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê vị thế hàng đầu Việt Nam chỉ từ một quán cà phê nhỏ ban đầu với diện tích hơn 2 mét vuông.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Nữ tướng ngành hàng không

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là người Việt thứ 2, cũng là người phụ nữ Việt duy nhất, có mặt trong bảng tỷ phú thế giới được Forbes điểm danh khi chỉ xếp sau ông Vượng. Hãng hàng không Vietjet dưới sự lãnh đạo của bà đã nhanh chóng tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu và lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, bà cũng tham gia sáng lập và điều hành hai ngân hàng VIB, Techcombank, và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Bông hồng quyền lực này từng khẳng định phương châm kinh doanh của mình là: "Trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ". 

Xem thêm: Nhiều thí sinh lựa chọn ngành kinh doanh và quản lý, liệu cơ hội việc làm của ngành này thế nào?

Phương Thúy