Những yếu tố nào giúp ông Phạm Nhật Vượng đạt cột mốc mới về tài sản?
Cụ thể, Forbes ghi nhận giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đạt 11,5 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. Thành tích này giúp ông đứng thứ 237 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một công dân Việt Nam ghi nhận khối tài sản vượt mốc 11 tỷ USD.

Ảnh: Forbes
Ông Vượng hiện trực tiếp nắm giữ hơn 449,9 triệu cổ phiếu Vingroup (VIC), tương đương 11,6% vốn điều lệ của tập đoàn này, phần cổ phiếu này hiện có giá trị lên tới khoảng 48.000 tỷ đồng. Trước đó, ông từng sở hữu gần 537,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,86%), nhưng đã chuyển nhượng hơn 135,6 triệu cổ phiếu cho Công ty VinSpeed, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại Vingroup xuống mức hiện tại.
Ngoài sở hữu trực tiếp, ông còn kiểm soát phần lớn cổ phần thông qua các công ty liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (nắm khoảng 32,5% vốn Vingroup), CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (6,28%), CTCP Năng lượng VinEnergo (2,72%) và các pháp nhân khác, giúp củng cố vị thế tại Vingroup.

Ảnh: CafeF
Hiện tại, Việt Nam có 5 tỷ phú USD theo thống kê của Forbes. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, danh sách này còn có bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet Air (2,7 tỷ USD), ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (2,5 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank (2,4 tỷ USD) và ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group (1,1 tỷ USD).

5 tỷ phú USD của Việt Nam theo Forbes năm 2025, từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Đình Long (Hòa Phát), ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank), và ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group).
Cột mốc trên được thiết lập trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng tích cực. VN-Index liên tục tăng điểm và tiệm cận mức đỉnh lịch sử hơn 1.500 điểm thiết lập hồi tháng 1/2022.
Cổ phiếu VIC của Vingroup đóng vai trò đầu tàu dẫn đến thị trường. Trong vòng 5 phiên gần nhất, mã này tăng 18% lên mức 108.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức cao nhất trong 3,5 năm qua. Tính từ đầu năm đến nay, VIC đã tăng khoảng 170%, trở thành một trong những mã tăng mạnh nhất thị trường.
Nhờ đà tăng giá của cổ phiếu, vốn hóa của Vingroup hiện đạt gần 420.000 tỷ đồng, dẫn đầu nhóm doanh nghiệp tư nhân niêm yết và chỉ xếp sau Vietcombank toàn sàn HoSE.
Bên cạnh Vingroup, đà hồi phục mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng góp phần gia tăng đáng kể tài sản của các tỷ phú USD khác tại Việt Nam. Trong đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan mới đây đã trở lại danh sách tỷ phú thế giới với tài sản đạt 1,1 tỷ USD, nhờ cổ phiếu MSN khởi sắc. Trước đó vào tháng 3, ông từng bị Forbes loại khỏi danh sách do tài sản ròng xuống dưới 1 tỷ USD.
Tuần qua, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng tăng 12% sau 5 phiên, vượt qua nhịp điều chỉnh hồi tháng 4 và vươn lên mức đỉnh một năm. Nhờ đó, tài sản của ông Trần Đình Long là Chủ tịch Hòa Phát, hiện đã tăng lên 2,6 tỷ USD. Vốn hóa của tập đoàn này cũng đạt gần 415.400 tỷ đồng, duy trì vị trí doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vingroup.