Người bán hàng online cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì?

12:00 | 27/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, instagram… và các nền tảng mạng xã hội khác đang là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh. Tốc độ lan truyền tin tức nhanh, dễ sử dụng, khả năng tiếp cận khách hàng vô hạn và vô vàn các tính năng hữu dụng khác mà đa số hiện nay nhiều người đều lựa chọn việc kinh doanh online. Chính vì sự phát triển mạnh mẽ của bán hàng online mà các vấn đề pháp lý liên quan cũng là mối quan tâm hàng đầu.

Đến nay, chưa có một văn bản cụ thể nào dành riêng quy định cho kinh doanh oniline thông qua các nền tảng xã hội mà chỉ quy định rải rác trong các văn bản pháp luật. Chính vì điều này mà nhiều người kinh doanh online chưa nắm rõ và đôi lúc không hay biết mình đang thực hiện hành vi không phù hợp pháp luật.

Bài viết dưới đây của FDVN nêu rõ 10 điểm pháp lý cần lưu ý cho người bán hàng online nhằm giúp cho những người kinh doanh online hiểu rõ hơn, nằm chắc các quy định hiện hành để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

1. Kinh doanh online có thể không đăng ký kinh doanh

Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định các hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh gồm:

- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, nếu hoạt động kinh doanh online chỉ nhỏ lẻ, thuộc các trường hợp nêu trên, không kết hợp với các hình thức kinh doanh khác phải đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh online sẽ không cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, người kinh doanh cần phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, không được mua bán hàng giả, hàng kém chất lương, không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng.

2. Thành lập website điện tử để kinh doanh online phảo đăng ký

Như đã phân tích ở trên, kinh doanh online không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, tuy nhiên trong một số trường hợp phải đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử [1] Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ sau:

1. Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

2. Dịch vụ khuyến mại trực tuyến.

3. Dịch vụ đấu giá trực tuyến.

- Hồ sơ đăng ký:[2]

- Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (theo Mẫu TMĐT-1tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT);

- Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).

Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu[3].

Cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn nộp một trong ba hình thức bản sao trên

- Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

- Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:

+ Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;

+ Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

- Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.

- Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

- Quy trình đăng ký[4]

Để khai báo hồ sơ, thương nhân, tổ chức truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và tiến hành các bước sau:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

- Tên thương nhân, tổ chức;

- Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức;

- Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;

- Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức;

- Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

- Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;

- Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký quy định tại Điều 14 Thông tư số 47/2014/TT-BCT

Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

- Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5;

- Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thương nhân, tổ chức gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số[5]) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy) theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 47/2014/TT-BCT         

* Xác nhận đăng ký

Thời gian xác nhận đăng ký: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ do thương nhân, tổ chức gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) khi hoàn thành quy trình đăng ký quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà thương nhân, tổ chức đã đăng ký để thương nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ.

Do đó, đối với thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử phải thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương còn những người bán hàng đơn thuần trên các nền tảng xã hội khác thì không cần phải đăng ký thủ tục này. Nếu trong trường hợp có website tuy nhiên trốn tránh không thực hiện việc đăng ký thì sẽ bị phạt lên đến 30.000.000 đồng[6].

Ngoài ra chủ website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử còn có mức xử phạt hành chính đối với các hành vi sau khi chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự như:

- Lừa đảo khách hàng trên website thương mại, lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bị phạt lên đến 000.000 đồng[7];

- Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính, tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị huỷ bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử bị phạt lên đến 000.000 đồng[8];…

3. Lưu ý về các hàng hóa không được bán online

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về các hàng hoá hạn chế kinh doanh như sau:

“Điều 3. Hoạt động kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website thương mại điện tử

Thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau:

a) Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ;

b) Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác;
c) Rượu các loại;

d) Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến;

đ) Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

2.Thương nhân thiết lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website của mình số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó”.

Ngoài quy định chung này, đối với một số loại hàng hóa cụ thể khác cũng có những quy định điều chỉnh hạn chế kinh doanh trên website thương mại điện tử. Do vậy trước khi kinh doanh người kinh doanh cần tìm hiểu kỹ loại hàng hóa của mình có được bán online hay không, điều kiện bán online như thế nào… Trường hợp bán hàng online không được phép sẽ bị xử phạt theo điểm b Khoản 3 Điều 63 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 như sau:

Điều 63. Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet.”

4. Ba loại thuế phải nộp khi kinh doanh online

Trường hợp kinh doanh online nhưng có thành lập các loại hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh.. thì khi kinh doanh sẽ tiến hành nộp các loại thuê GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Chi tiết các loại thuế có thể tìm hiểu theo bài 10 ĐIỂM CẦN LƯU Ý VỀ THUẾ VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI DÀNH CHO DOANH NGHIỆP theo link http://fdvn.vn/10-diem-can-luu-y-ve-thue-va-bao-hiem-xa-hoi-danh-cho-doanh-nghiep/

Với trường hợp kinh doanh online theo hình thức hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì sẽ nộp thuế theo quy định sau:

Điều kiện:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định[9]

Người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm. Do đó, không phải ai bán hàng online cũng phải nộp loại thuế này, chỉ những người kinh danh có doanh thu lớn hơn 100 triệu đồng/ năm sẽ phải có nghĩa vụ thực hiện việc nộp các loại thuế sau đây:

Thứ nhất, Thuế giá trị gia tăng

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử là đối tượng nộp thuế GTGT theo điểm đ Khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trong đó hoạt động thương mại điện tử được hiểu là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có)”[10]

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT[11] x Tỷ lệ thuế GTGT[12]

Tỷ lệ thuế GTGT đối với hoạt động bán hàng online là hoạt động phân phối cung cấp hàng hoá thì tỷ lệ thuế GTGT là 1%

Thứ hai, Thuế thu nhập cá nhân

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN[13] x Tỷ lệ thuế TNCN[14]

Tỷ lệ thuế TNCN đối với hoạt động bán hàng online là hoạt động phân phối cung cấp hàng hoá nên tỷ lệ thuế TNCN là 0.5%

Theo đó phương pháp kê khai thuế GTGT và TNCN sẽ bao gồm là kê khai, nộp thuế theo từng lần, phương pháp khoán, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định”[15] Cơ quan thuế sẽ có cơ chế để kiểm tra xem việc kê khai có chính xác hay không.

Riêng đối với các nhân kinh doanh online thuộc trừng hợp không phải đăng ký kinh doanh như đã phân tích ở trên thì sử dụng phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định”[16].

Tuỳ vào phương pháp mà người kinh doanh online phải thực hiện trình tự thủ tục khác nhau, cụ thể theo Thông tư 40/2021/TT-BTC:

- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai

Hồ sơ khai thuế bao gồm:

- Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC;

- Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai) theo mẫu số 01-2/BK-HĐKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD ban hành kèm theo thông tư 40/2021/TT-BTC.

Nơi nộp hồ sơ:

- Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thời gian nộp hồ sơ khai thuế:

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thời hạn nộp thuế:

- Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.

Nghĩa vụ khai thuế trong trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

- Thông báo cho cơ quan thuế theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Điều 12 Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế và không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng nếu khai thuế theo tháng hoặc tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn quý nếu khai thuế theo quý.

- Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh

Hồ sơ khai thuế:

- Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này;

- Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:

  + Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

  + Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

  + Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;...

Nơi nộp hồ sơ:

- Trường hợp kinh doanh lưu động thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh.

Thời gian nộp hồ sơ khai thuế:

- Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

- Đối với hộ khoán

Căn cứ xác định thuế khoán bao gồm:

- Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế;

- Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;

- Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;

- Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.

Hồ sơ khai thuế:

- Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 05 tháng 12 hằng năm, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán.

- Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.

- Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khi khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn lẻ thì hộ khoán khai thuế theo từng lần phát sinh và sử dụng Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này đồng thời xuất trình, nộp kèm theo hồ sơ khai thuế các tài liệu sau:

+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;

+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;...

Thời gian nộp hồ sơ khai thuế:

- Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.

- Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

Thứ ba, Lệ phí môn bài[17]

Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 000.000 (một triệu) đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

Chú ý: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.

5. Bán hàng có giá trị trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn

Đối với người bán hàng online thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh thì theo quy định tại Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, khi bán hàng, người bán phải lập hóa đơn và giao cho người mua, trừ trường hợp bán hàng có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng.

Trường hợp bán hàng mà không lập, xuất hóa đơn thì bị phạt vi phạm hành chính về hóa đơn với mức phạt cao nhất là 20.000.000 triệu đồng[18] của Bộ Tài chính nếu hàng hóa có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên.

6. Kinh doanh online hàng giả có thể bị phạt đến 15 năm tù

Hiện nay theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể tại khoản 7 Điều 3 đã quy định rõ như thế nào là hàng giả. Theo đó, hàng giả gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Trường hợp kinh doanh hàng giả, tùy vào mức độ vi phạm mà có cơ chế xử lý khác nhau, cụ thể:

Xử phạt hành chính: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức [19]. Cụ thể:

- Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng[20]

- Đối với hành vi này thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng tuỳ theo lượng hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị bao nhiêu hoặc dựa vào giá trị thu lợi bất hợp pháp quy định rõ tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền gấp hai lần các mức phạt tiền ở Khoản 1 Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;

+ Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

- Hình thức phạt bổ sung khác

- Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá[21]

- Đối với hành vi này thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tuỳ theo lượng hàng giả tương đương số lượng hàng thật có giá trị bao nhiêu hoặc dựa vào giá trị thu lợi bất hợp pháp mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định rõ tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền gấp hai lần các mức phạt tiền ở Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;

+ Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

- Xử lý hình sự [22]:

Đối với cá nhân căn cứ quy định tại Khoản 1,2,3,4 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung tại Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Làm chết người;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

l) Buôn bán qua biên giới;

m) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Còn đối với pháp nhân thương mại tại Khoản 5 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 sẽ bị phạt như sau:

“Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, việc buôn bán hàng giả với mức độ nguy hại của nó và hệ luỵ mà nó mang lại việc xử lý răn đe là điều đáng hân hoan. Có như vậy, người phạm tội mới có thể thấy sợ mà ngưng việc buôn bán hàng giả, thu lợi bất chính đem đến cho người tiêu dùng những hậu quả khôn lường. Người kinh doanh online cũng càng phải cẩn trọng và kinh doanh hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ, tránh vướng phải vòng lao lý.

7. Kinh doạn hàng xách tay như thế nào để không bị coi là hàng nhập lậu

Hiện nay, hàng xách tay rất được ưa chuộng trên thị trường bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do mong muốn được dùng sản phẩm chính hãng, chất lượng và giá thành rẻ do đi bằng con đường nhập lậu, không chịu các thuế nhập khẩu thông thường. Pháp luật Việt Nam, cụ thể tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP có quy định các định mức hàng hóa xách tay của người nhập cảnh vào Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu, trường hợp quá định mức này sẽ phải đóng thuế nhập khẩu và thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều trường hợp người nhập cảnh không kê khai trung thực, xách tay hàng hóa vượt quá định mức để trốn thuế, những hàng hóa vi phạm này có thể bị coi là hàng hóa nhập lậu.

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu gồm:

- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Do đó không phải cứ bán “hàng xách tay” đều được xem là hàng hoá nhập lậu và vi phạm quy định pháp luật mà để bán “hàng xách tay” không bị xử phạt thì phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Có hoá đơn, chứng từ kèm theo;

- Không nằm trong danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hoá có giấy phép nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, nộp các loại thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật;

Tuy nhiên, nếu người bán hàng online không hiểu rõ và bán “hàng xách tay” khi không đầy đủ các điều kiện trên thì sẽ phải chịu những mức phạt hành chính, thậm chí là mức phạt hình sự như sau:

* Xử phạt hành chính

Bán “hàng xách tay” không đầy đủ các điều kiện nêu trên tức kinh doanh “hàng hoá nhập lậu” sẽ bị xử phạt dựa trên giá trị hàng hoá như sau:

Và phạt gấp 02 lần mức tiền phạt nêu trên đối với hành vi thuộc trường hợp sau đây:

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương có thể lên đến 200.000.000 đồng )

* Xử phạt hình sự

Người bán hàng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi quy định định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 như sau:

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i)  Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

8. Quảng cáo hàng hóa sai cách sẽ bị phạt tiền

Quảng cáo[23] là hình thức tuyên truyền được trả phí hoặc không để thực hiện việc giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, công ty hay ý tưởng, quảng cáo là hoạt động truyền thông tin phi trực tiếp giữa người với người mà trong đó người muốn truyền thông phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin đến thuyết phục hay tác động đến người nhận thông tin.

Quảng cáo[24] là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Chính vì để khách hàng tiếp cận với sản phẩm của mình, sản phẩm được biết đến nhiều hơn từ đó tăng doanh thu, người kinh doanh luôn nghĩ ra cách thức quảng cáo nhằm tác động tới hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng không ít những doanh nghiệp, cá nhân bất chấp để Quảng cáo. “Bất chấp” ở đây là thổi phồng công dụng của sản phẩm nhằm cho Khách hàng mua hàng, nói dễ hiểu hơn là hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hoá.

Không ít người kinh doanh online cho rằng, việc mình kinh doanh nhỏ lẻ và muốn quảng cáo gì cũng không ai hay. Tuy nhiên việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố sẽ bị phạt tiền lên đến 80.000.000 đồng[25]. Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Quảng cáo gian dối không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị lý hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015:

“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

Như vậy, việc quảng cáo là cần thiết cho việc kinh doanh, buôn bán, tuy nhiên việc Quảng cáo không đúng, quảng cáo sai sự thật, gian dối gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý nặng nề.

9. Khách "boom hàng" có thể bị kiện

Trong quá trình kinh doanh, nhất là đối với loại hình kinh doanh online, việc “boom hàng” – người mua đã đặt nhưng lại không nhận hàng, xảy ra rất phổ biến. Việc khách “boom hàng” làm người kinh doanh bị thiệt hại nhiều, về phí ship phải chịu hai chiều, hàng tồn, hư hỏng hàng hoá,…Người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội thì thường là cá nhân với vốn ít ỏi để mua bán mà lại gặp khách “boom hàng” thì thật là mất cả chì lẫn chài, lời lãi không thấy đâu. Hiện nay, việc “boom hàng” có giá trị vài chục ngàn thậm chí là có món hàng giá trị vài trăm triệu. Người kinh doanh luôn bức xúc và không biết khách “boom hàng” có bị xử lý bằng pháp luật không. Và câu trả lời là Có, thậm chí là bị truy tố hình sự.

Có thể hiểu, việc “boom hàng” là việc bên bán đã thoả thuận với bên mua hàng, hai bên đã thoả thuận thành công nhưng khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng và thanh toán, thu tiền thì bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó. Căn cứ theo quy định pháp luật hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản. Việc cả hai bên đã thuận mua vừa bán thì đã thực hiện giao kết hợp đồng, cụ thể:

“Điều 398. Nội dung của hợp đồng

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp”

Việc người mua hàng không thanh toán, không nhận hàng thì người mua hàng đã vi phạm pháp luật dân sự. Người mua hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra theo quy định tại Điều 360, Điều 419 Bộ luật dân sự 2015

“Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”

Và thiệt hại được bồi thường như sau:

“Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền.Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”

Theo quy định trên đây, người bán hàng mà đặc biệt là bán hàng online có thể kiện người mua hàng khi họ “boom hàng” và buộc họ phải bồi thường thiệt hại. Điều này trên thực tế rất ít người bán hàng online áp dụng, bởi kiện tụng đối với họ rất phức tạp và tốn nhiều thời gian đó là đối với những món hàng có giá trị nhỏ. Những món hàng có giá trị lớn thì người bán hàng cần áp dụng pháp luật để giúp họ không bị thiệt hại quá nhiều.

10. "Bốc phốt" như thế nào để đúng luật

“Bốc phốt” cụm từ khá quen và được dùng nhiều trong giới trẻ hiện nay. Được hiểu một cách đơn giản là chỉ hành vi của tổ chức, cá nhân,….bằng hình thức truyền miệng, thông qua các nền tảng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,….để nói về một hành vi được coi là xấu theo ý kiến chủ quan.

Vậy thì trong trường hợp nào thì bị “bốc phốt” trong kinh doanh. Việc này có thể xuât phát từ khách hàng hoặc người bán hàng, người bán hàng bán hàng dởm, hàng kém chất lượng, treo đầu dê bán thịt chó, thái độ,… thì sẽ bị “bốc phốt. Người mua hàng “boom hàng” thì sẽ bị “bốc phốt”.

Vì bị khách “boom hàng” người bán hàng vì quá bức xúc mà đăng ảnh, đăng bài viết để xúc phạm, thậm chí là chửi bới để xả giận. Tưởng rằng hành vi này là vô hại, đơn giản là chỉ để xả tức và để cho nhiều người biết mà tránh. Nếu không cẩn thận có thể bị kiện và chịu những hậu quả pháp lý nặng nề.

Cụ thể:

Thứ nhất, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu người bán hàng dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới, lăng mạ người khác trong bài viết, rồi đăng lên mạng xã hội để biêu rếu cá nhân cụ thể có bị phải đối mặt với việc xử lý do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng[26]

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020  về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).

Thứ hai, Tội làm nhục người khác và Tội vu khống theo Bộ luật hình sự 2015

Việc “bóc phốt” trên đều sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử và thông qua các nền tảng xã hội có nhiều người tiếp cận nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.

Hơn nữa, nếu hành vi “bóc phốt” là bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, trước khi thực hiện việc “bốc phốt” một cá nhân nào đó cần phải thận trọng và chú ý không quá đà xúc phạm trực tiếp đến người khác. Việc “bốc phốt” không xấu nhưng nó sẽ xấu đi nếu người thực hiện không có chứng mực và biến nó thành tiêu cực bằng việc làm nhục người khác thông qua mạng xã hội chỉ để thoả mãn cảm xúc của cá nhân.

Thứ ba, sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác

Theo Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích “bóc phốt” trên mạng xã hội có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu -20 triệu đồng cho hành vi: e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người bán hàng nêu lưu ý hành vi này để tránh vướng phải những vấn đề pháp lý không đáng có. Ngoài việc “bốc phốt” người bán hàng có thể thoả thuận, giải quyết bằng thương lượng hoặc tố cáo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc “bốc phốt” nhau trên mạng xã hội không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Để không phải chịu những rủi ro người bán hàng online cần sáng suốt và hạn chế thực hiện hành vi “bốc phốt” trên mạng xã hội.

Trên đây là 10 điểm pháp lý cần lưu ý cho người bán hàng online được dựa vào trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và thực tế. Mong rằng đây là những thông tin bổ ích giúp người bán hàng online hiểu hơn về pháp luật liên quan đến kinh doanh online thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định.

Luật sư Nguyễn Hải Nhi – Công ty Luật FDVN