Người tiêu dùng không còn lo giá thực phẩm tăng theo giá xăng
Theo đó, trên thị trường nội địa, từ 15h ngày 12/9 vừa qua, giá xăng, dầu trong nước đồng loạt giảm 1.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng A95 từ 24.230 đồng giảm còn 23.215 đồng/lít; xăng E5 từ 23.359 đồng giảm còn 22.231 đồng/lít.
Như vậy, sau khi trải qua 24 lần điều chỉnh giá, với 10 lần giảm, giá mặt hàng xăng dầu đã ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, mang những tác động tích cực đến đời sống của người dân. Người tiêu dùng phấn khởi, không còn lo giá thực phẩm tăng theo giá xăng khiến việc chi tiêu khó khăn.
Cùng với đó, mặt hàng gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng có những biến chuyển theo đà giảm của giá xăng. Cụ thể, giá gas bán lẻ trong nước từ ngày 1/9 tiếp tục giảm tháng thứ năm liên tiếp và là lần thứ sáu trong năm 2022, với tổng mức 104.000 đồng/bình 12 kg.
Dầu thô lao dốc trước hàng loạt thông tin tiêu cực
Dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, khi Nhà Trắng trì hoãn kế hoạch mua dầu bổ sung vào kho dự trữ, cũng như triển vọng tiêu cực của kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 3,82% xuống 85,1 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 3,46% xuống 90,84 USD/thùng.
Giá dầu bắt đầu suy yếu ngay từ khi mở cửa. Sau đó, một loạt các thông tin tiêu cực trong phiên đã kéo giá dầu thô nói riêng và chỉ số MXV-Index Năng lượng nói chung xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần.
Rủi ro đình công của các công nhân đường sắt tại Mỹ chấm dứt sau 20 giờ đồng hồ thương thảo giúp cho nước Mỹ tránh được sự gián đoạn về tuyến đường vận chuyển nhiên liệu và thực phẩm. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết kế hoạch mua lại dầu để bổ sung vào kho dự trữ sẽ chỉ tiến hành sớm nhất là vào năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng cường xuất khẩu nhiên liệu, đặt ra câu hỏi nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế của quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới sẽ suy yếu đến mức độ nào. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ chứng kiến mức giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 3 thập kỷ. Như vậy, rủi ro nguồn cung được giảm bớt, trong khi nhu cầu lại giảm, khiến cho giá dầu chịu sức ép lớn.
Bước vào phiên tối, một loạt các chỉ số tiêu cực của kinh tế Mỹ cũng gây áp lực cho thị trường chung. Doanh số bán lẻ lõi, đo lường doanh thu các hoàng hóa của Mỹ, ngoại trừ ô tô, bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 8, trong khi thị trường kỳ vọng mức tăng 0,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 cũng sụt giảm 0,2% so với tháng 7. Như vậy, có thể thấy cả tiêu dùng lẫn sản xuất của Mỹ đều đã suy yếu, và điều này có thể gây áp lực đến với kinh tế Mỹ trong các tháng cuối năm. Đặc biệt khi Fed được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, thì sự suy yếu khả năng cao sẽ còn tiếp tục.
Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết rủi ro đang gia tăng trong cuối năm và có thể đẩy nhiều nước rơi vào suy thoái trong năm 2023, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu có xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là lạm phát duy trì ở mức cao, vấn đề chuỗi cung ứng chưa được giải quyết và sự thắt chặt của thị trường tài chính.