Nguồn cung hạn hẹp, Trung Quốc nhập khẩu sắt thép tăng đột biến trong tháng 11/2020
Trong tháng 11/2020 xuất khẩu sắt thép sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước, trị giá 1,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11, sản xuất thép các loại của Việt nam đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng 4,34% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.
Sản lượng bán hàng thép các loại đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng mạnh gần 37% so với tháng 10 và tăng 20,9% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thép bán ra trong tháng 11 cũng lập kỷ lục tính từ tháng 3/2019. Riêng xuất khẩu thép trong tháng 11 đạt số lượng 478.375 tấn, tăng 21,52% so với tháng 10 và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung sau 11 tháng năm 2020, sản xuất thép các loại tại Việt Nam đạt hơn 23,33 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lượng thép tiêu thụ giảm gần 1%, đạt hơn 21 triệu tấn và xuất khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 4,11 triệu tấn.
Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước, trị giá 1,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam tiếp tục là ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…
Theo VSA, từ sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2019 đến khoảng giữa năm 2020, tình hình sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu thép hầu như không tăng trưởng. Xuất khẩu thép cũng mới lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Dù tính chung cả năm hoạt động xuất khẩu sụt giảm nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây. Điều này cũng góp phần đưa kết quả kinh doanh của nhiều công ty thép về đích sớm cho cả năm nay.
Thực tế cho thấy Trung Quốc không chỉ mua nhiều thép từ Việt Nam, mà lượng thép xuất khẩu từ các quốc gia khác về Trung Quốc cũng tăng vọt thời gian qua, điển hình như Ấn Độ.
Từng nhận định về đà tăng đột biến trong nhu cầu thép tại Trung Quốc, S&P Global Platts cho rằng, bên cạnh các dự án hạ tầng và xây dựng, nguyên nhân khiến cầu thép tại Trung Quốc tăng mạnh còn xuất phát từ việc các nhà sản xuất nội địa đua nhau tích trữ hàng với dự báo nguồn cung thiếu hụt trong tương lai, việc này đã đẩy cầu lẫn giá thép lên cao.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, nhu cầu thép không chỉ đến từ lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xây dựng mà còn đến từ hoạt động đóng tàu, sản xuất ôtô, thiết bị gia dụng, và tất cả các ngành này đều đang hồi phục mạnh mẽ sau làn sóng bùng phát Covid-19 đầu tiên, theo S&P Global Platts. Điều này đẩy nhu cầu tăng mạnh đối với thép cuộn nóng - dùng trong sản xuất máy móc, thiết bị gia dụng và ô tô; và phôi thép - sử dụng để làm thanh cốt thép trong xây dựng.
Kim ngạch nhập khẩu thép của Trung Quốc là điều đã được dự báo trước khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mở cửa nền kinh tế trở lại sau thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19. Do đó, sự phục hồi kinh tế và nhu cầu thép tại nước này tạm thời vượt qua các thị trường nước ngoài, thu hút dòng thép từ các quốc gia khác. Quan trọng hơn là, các chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng trong nửa đầu năm 2020 của Bắc Kinh đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực hạ tầng và xây dựng, các nhà phân tích của S&P Global Platts nhận định, song cũng lưu ý rằng nhu cầu thép của Trung Quốc có thể không kéo dài lâu, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản đang tăng trưởng quá nóng.
Thống kê của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết nhập khẩu thép của nước này đã tăng nhanh trong 10 tháng kể từ đầu năm, trong khi xuất khẩu thép lại thu hẹp.
Theo MIIT, nhập khẩu thép của Trung Quốc trong giai đoạn 10 tháng kể từ đầu năm nay tăng 73,9% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 17 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong 10 tháng từ đầu năm giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 44,43 triệu tấn.
Theo MIIT, nhập khẩu thép của Trung Quốc trong giai đoạn 10 tháng kể từ đầu năm nay tăng 73,9% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 17 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong 10 tháng từ đầu năm giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 44,43 triệu tấn.
Riêng trong tháng 10/2020, nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng 87,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,93 triệu tấn, trong lúc xuất khẩu giảm 15,5%, xuống còn khoảng 4,04 triệu tấn.
Trong bối cảnh những nỗ lực vững chắc để thúc đẩy nền kinh tế, các công ty thép lớn của Trung Quốc có doanh thu bán hàng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 580 tỷ USD) trong 10 tháng kể từ đầu năm.
Hơn nữa, bên cạnh việc tăng mua thì Trung Quốc cũng tăng xuất khẩu thép sang Việt Nam. Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 11,2 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá hơn 6,65 tỉ USD.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam với hơn 2,99 triệu tấn, trị giá 1,9 tỉ USD, chiếm tỷ trọng hơn 26,5% trong tổng lượng và chiếm 28,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Như vậy, hiện Việt Nam vẫn nhập siêu sắt thép từ Trung Quốc.
Nói về vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã xác nhận thời gian gần đây sản lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc liên tục tăng mạnh, trong đó chủ yếu là phôi thép. Tuy nhiên, đại diện (VSA) cho rằng hiện tượng Trung Quốc tăng mua là tín hiệu tốt ở thời điểm hiện tại để Việt Nam giải quyết hàng tồn kho. Trong khi mức giá xuất sang Trung Quốc cũng rẻ hơn so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thép từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... cho biết sẽ theo dõi động thái xuất khẩu thép thời gian tới của Trung Quốc để xem quốc gia này có toan tính gì trong việc gia tăng đột biến nhập khẩu thép từ các nước khác thời gian qua.
Nguyễn Dung