Nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội ổn định, doanh nghiệp khuyến cáo người dân không đổ xô đi mua

09:54 | 19/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu của người dân, Hà Nội đã dự trữ hàng hóa gấp 3 lần.

Đó là thông tin mà Sở Công thương Hà Nội đưa ra trong bối cảnh Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thủ đô. 

Trước đó, ngay trong ngày 18/7/2021, cơ quan này đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch bệnh. 

Các doanh nghiệp cho biết, đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm nhằm đảm bảo hàng hóa được thông suốt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẵn sàng làm thêm giờ, nỗ lực hết sức cung ứng lượng hàng phục vụ người dân. 

Vậy thì tình hình thực tế về lượng hàng hóa tại các siêu thị trước thời điểm thực hiện ra sao. Báo giới đã vào cuộc tìm hiểu và ghi nhận tình hình thực tế. 

Nguồn cung hàng hóa tại Hà Nội ổn định, doanh nghiệp khuyến cáo người dân không đổ xô đi mua - ảnh 1

Hiện tại, doanh nghiệp vẫn cung ứng đủ hàng hóa cho người dân HN. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai, vào lúc 18h đã chứng kiến cảnh nhiều kệ rau củ đã trống hàng. Nhân viên tại siêu thị cho biết, từ trưa đến giờ, lượng người mua đông đã có lúc hệ thống bị thiếu hàng cục bộ, bị trống gian hàng bất chấp siêu thị đã 5 lần bổ sung nguồn hàng lên kệ. “Cao điểm nhất là từ 14 giờ đến 17 giờ, khách đến mua hàng đông, có khi phải xếp hàng 1 - 2 tiếng đồng hồ chờ đến lượt thanh toán”, nhân viên tại đây trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam. 

Ngoài mặt hàng rau xanh tiêu thụ mạnh, các mặt hàng thịt, cá, đông lạnh và hàng hóa thiết yếu khác vẫn ổn định và đầy hàng trên kệ.

Trong khi đó, phóng viên của Hà Nội Mới khảo sát thì tại siêu thị T-mart, Chung cư Golden An Khánh (xã An Khánh huyện Hoài Đức) trong chiều 18/7 lượng người đi siêu thị mua sắm không nhiều, các mặt hàng được trưng bày đầy trên kệ. Những mặt hàng nhu yếu phẩm như mì, thịt, tôm, cá, rau củ quả các loại... rất dồi dào. Một người dân sống gần đó cho biết rất an tâm về nguồn cung lương thực, thực phẩm nên không có ý định mua tích trữ và hàng hóa ở siêu thị niêm yết giá đầy đủ và bán đúng giá.

Hay tại các siêu thị Vinmart ở Chung cư Times City (quận Hai Bà Trưng) lúc 20h vẫn chưa xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng. Nhân viên thường xuyên bổ sung đầy đủ các loại hàng rau, quả, gạo... Các mặt hàng thực phẩm được bán hết trong ngày nên nhu cầu tích trữ là không có. 

Trả lời TTXVN, Ông Nguyễn Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho biết, sau khi Hà Nội có công điện số 15/CĐ-CTUBN về tăng cường thêm biện pháp phòng chống dịch bệnh thì hệ thống tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm tăng cao. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau và trái cây,...được khách hàng lựa chọn nhiều. Tình trạng trống kệ hàng cục bộ đã xuất hiện tại số điểm phân phối

Riêng tại Hà Nội, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa đến 300% nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán. Việc này đã diễn ra ngay khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên cả nước.

Đại diện VinMart khuyến nghị người dân cần hết sức bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực cung ứng, sản xuất phân phối của doanh nghiệp. Việc đổ xô mua hàng, tích trữ lúc này sẽ rất dễ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Đơn vị này đã xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada...hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt...

Còn đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart ở Hà Nội thông tin rằng hệ thống này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng dù từ đầu ngày 18/7, lượng khách tới siêu thị mua hàng đông hơn, lượng hàng mua tăng đột biến 30 - 40%. 

Hiện tại, doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tích trữ các loại rau xanh nên đề nghị Sở Công Thương và Bộ Công Thương thêm các nguồn cung bổ sung ngoài công ty, hợp tác xã đang lấy hàng để tăng cường lượng hàng hóa, bù đắp khi thiếu. Hiện tại, Sở Công Thương đã đồng ý với đề xuất này và sẽ tìm thêm nguồn cung. 

H.S

Xem thêm: Hệ thống siêu thị đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân

ĐỌC NHIỀU