Nguồn cung thu hẹp, xuất khẩu gạo hưởng lợi trong tháng 10 đạt hơn 2 tỷ USD
Trong tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam lại tăng mạnh do nguồn cung thu hẹp, xuất khẩu đạt trên 5,35 triệu tấn với trị giá 2,64 tỷ USD, tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2020 đạt 5,29 triệu tấn tương đương 2,61 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt trên 5,35 triệu tấn với trị giá 2,64 tỷ USD, tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo cũng là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 10 tháng qua, trong khi nhiều loại nông thủy sản khác như rau quả, hạt tiêu, cà phê thủy sản... đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Nguồn: vietnambiz
Trong một tháng trở lại đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng từ mức khoảng 470 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 490 USD/tấn vào cuối tháng. Mưa nhiều gây ngập lụt ở ĐBSCL đã khiến cho tiến độ thu hoạch vụ Thu Đông bị trì hoãn, nguồn cung thu hẹp khiến cho mức giá tăng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng giảm mạnh từ 475 USD/tấn vào đầu tháng xuống 438 USD/tấn vào cuối tháng, do đồng Baht trượt giá và nhu cầu thị trường đối với gạo Thái Lan hiện không cao. Giá gạo Ấn Độ cũng giảm nhẹ từ 379 USD/tấn xuống 375 USD/tấn. Nguyên nhân chính là do đồng Rupee giảm giá.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 10/2020 diễn biến tăng, giảm trái chiều so với cuối tháng 9/2020.
Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 100 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.800 – 6.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.900 – 7.200 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên mức 7.000 – 7.300 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 giảm 200 đồng/kg xuống 5.300 đồng/kg; lúa khô tăng 200 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg; lúa hạt dài ướt ở mức 5.600 đồng/kg, lúa khô ổn định ở mức 6.200 đồng/kg. Giá lúa Thu Đông tại Vĩnh Long giảm là do thời tiết mưa nhiều đã làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng lúa. Tại Bạc Liêu, thu hoạch lúa Hè Thu đã kết thúc
Tính trong 9 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, đạt 1,81 triệu tấn và 843,48 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm: Indonesia (gấp 3,2 lần) và Trung Quốc (tăng 75,4%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2020 đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Một trong những cú hích cho gạo Việt xuất khẩu và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ đầu tháng 8, tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 80.000 tấn theo hạn ngạch thuế quan mà EU dành cho Việt Nam.
9 tháng 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đạt trên 10,05 triệu USD tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với gạo của các nước ASEAN xuất sang EU. Cụ thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia, do đó, trong tương lai, các doanh nghiệp còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường này.
Đặc biệt khi hai nguồn cung lớn của EU trong nhiều năm qua là Campuchia và Myanmar đang phải chịu thuế suất tuyệt đối cho đến hết năm 2021, ở mức 175 euro/tấn (năm 2019); 150 Euro/tấn (năm 2020) và 125 Euro/tấn (năm 2021).
Chỉ tính từ ngày 4/9 đến ngày 31/10 đã có 10 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 5.932 tấn gạo thơm xuất khẩu sang EU để hưởng thuế 0%. Theo đó, kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn vì đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường EU về giá và chất lượng.
Ðề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản. Ưu tiên lựa chọn ba giống gạo đặc sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia bao gồm giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản. Từ đó, xây dựng các chính sách ưu tiên về quản lý xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo quốc gia. |
Nguyễn Dung(t/h)