Nguyên giám đốc, phó giám đốc và kế toán bệnh viện Bạch Mai bị bắt
Việc thực hiện xã hội hóa khi đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập hiện nay, là một chủ trương đúng đắn của chính phủ và Bộ Y tế. Chủ trương này đã giải quyết được bài toán về thiếu hụt kinh phí đầu tư, giúp các bệnh viện tiếp cận được trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả điều trị. Từ thời điểm triển khai năm 2007 cho đến nay, đã có 62/63 tỉnh thành thực hiện các đề án xã hội hóa, từ đó đã mua sắm hoặc liên doanh liên kết đưa vào lắp đặt sử dụng hàng ngàn hệ thống máy móc trang thiết bị khác nhau.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã cho thấy, đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp và bệnh viện lợi dụng việc thực hiện liên doanh, liên kết để cấu kết, móc nối và thông đồng thổi giá trang thiết bị y tế, tận thu đối với người bệnh nhằm mục đích trục lợi bất chính. Điển hình nhất là vụ án tiêu cực trong việc thực hiện đề án lắp đặt máy, thiết bị Y tế theo hình thức xã hội hóa xảy ra ở bệnh viện Bạch Mai.
Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.
Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca. Đặc biệt, vị Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin thêm trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng.
Bệnh viện Bạch Mai
Cơ quan điều tra khẳng định đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra các sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản do phạm tội mà có.