Nhà bán lẻ đổi mới chiến lược kinh doanh tại điểm bán hàng trực tiếp
Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, nhiều nhà bán lẻ sở hữu những thương hiệu mạnh đã và đang không ngừng phủ sóng mạng lưới phân phối, bán lẻ sâu rộng vào khu dân cư để mang hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến tận “nhà” người dân. Điển hình, những tòa nhà văn phòng, chung cư… đang là một trong những điểm đến chiến lược mà nhiều nhà bán lẻ lựa chọn mở điểm bán mới và xem đây là nơi để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Cùng đó, mô hình điểm bán lẻ cũng được điều chỉnh linh hoạt về quy mô diện tích, thiết kế quầy kệ, nhóm ngành hàng… đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với từng địa bàn khu dân cư cũng như nhóm khách hàng. Đồng thời, các nhà bán lẻ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mang lại trải nghiệm hành trình mua sắm tiện ích cho khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vừa chính thức đưa Co.opXtra Long Bình vào hoạt động và đây là Co.opXtra thứ 5 thuộc hệ thống đại siêu thị của nhà bán lẻ này. Đáng chú ý, Co.opXtra Long Bình được đầu tư mạnh về cơ cấu ngành hàng, không gian mua sắm, cập nhật xu hướng công nghệ của bán lẻ hiện đại… trở thành nơi mua sắm hàng tiêu dùng duy nhất tại Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall Grand Park, Quận 9, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
Liên quan đến hoạt động mở rộng mô hình kinh doanh, ông Dương Minh Quang, Tổng Giám đốc Co.opXtra chia sẻ, điểm mới của Co.opXtra Long Bình là có diện tích tinh gọn so với tiêu chuẩn chung của đại siêu thị, nhưng đảm bảo hàng Việt chiếm tỷ lệ hơn 80% trong cơ cấu hàng hóa và cung cấp đầy đủ các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Đây cũng là điểm bán đầu tiên trong hệ thống phục vụ khách hàng bằng robot Xtrabot, tủ đựng đồ thông minh, quầy tự thanh toán, máy nấu mì tự động…
Trước đó vào tháng 9/2024, Saigon Co.op cũng đưa vào hoạt động Co.opmart Phạm Thế Hiển để phục vụ cho dân cư chung cư Green River và khu vực lân cận trên địa bàn Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Co.opmart Phạm Thế Hiển cũng được cải tiến so với mô hình Co.opmart trước đây thông qua bổ sung thêm những dịch vụ đặc thù, gồm: bán đá lạnh dạng viên, hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp, internet, điện thoại bàn, điện thoại trả sau; vay tiêu dùng, bảo hiểm; Topup/mã thẻ điện tử/thẻ cào để nạp tiền điện thoại & game; gia hạn thuê bao K+; đặt vé xe, vé xem phim…
Tương tự, được biết đến là mô hình bán lẻ giá sỉ tại thị trường Việt Nam, thương hiệu MM Mega Market (MMVN) không ngừng phát triển mô hình này với những hoạt động chiến lược cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vào khu dân cư; trong đó, mô hình chuyển đổi tạp hóa truyền thống thành kênh bán lẻ hiện đại “Giá tốt” đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân, cũng như góp phần nâng tầm mô hình bán lẻ truyền thống trở nên hiện đại cả trong diện mạo cửa hàng lẫn hệ thống quản lý.
Theo đại diện MMVN, mô hình chuyển đổi tạp hóa truyền thống thành kênh bán lẻ hiện đại “Giá tốt” là mô hình hợp tác giữa MMVN với những đối tác là nhà đầu tư cá nhân có mong muốn sở hữu những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, hoặc các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống để xây dựng cửa hàng mới hoặc chuyển đổi từ mô hình tạp hoá truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại. Tính đến nay, mô hình chuyển đổi tạp hóa truyền thống thành kênh bán lẻ hiện đại “Giá tốt” đã vượt cột mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc, qua đó tiếp tục khẳng định vị thế là người bạn đồng hành đáng tin cậy nhất của các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống tại địa phương.
Trong khi đó, những chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh gồm Satrafood, Co.op Smile, Bách hóa Xanh… cũng không ngừng được mở rộng cả về số lượng cửa hàng lẫn nhóm ngành hàng, trở thành điểm mua sắm phổ biến hàng ngày của người tiêu dùng trên địa bàn. Đến với những chuỗi cửa hàng tiện lợi này, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm đa dạng hàng hóa từ những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình hàng ngày cho đến mặt hàng nhập khẩu của nhiều quốc gia.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thái Nguyên, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, cứ khoảng 2-3 ngày là chị vào cửa hàng tiện lợi ngay gần chung cư để “đi chợ” mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Điểm nổi bật của mô hình bán lẻ này là thời gian kinh doanh hàng ngày dài hơn các chợ truyền thống, nên nhiều khi đi làm về muộn thì người tiêu dùng vẫn kịp mua sắm.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng số lượng danh mục hàng hóa kinh doanh và gần như đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, nên gia đình dần chuyển sang mua sắm ở kênh bán lẻ này thay vì đi chợ hàng ngày như trước đây. Ngoài ra, với lợi thế mô hình bán lẻ hiện đại được đầu tư quầy, kệ nên khâu bảo quản hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống, rau củ, quả, sản phẩm đông lạnh… có chất lượng đảm bảo đúng tiêu chuẩn hơn so với những kênh bán lẻ khác - chị Nguyên cho hay.
Đồng quan điểm, nhiều người dân khác tại Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, hệ thống phân phối của nhiều nhà bán lẻ ngày càng chú trọng phát triển vào khu dân cư, do đó chỉ cần ra khỏi nhà không xa là có thể mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không khác gì đi chợ, hay mua sắm ở tiệm tạp hóa nên rất tiện lợi. Mặt khác, giá cả hàng hóa kinh doanh tại siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… được niêm yết minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua sắm không phải “trả giá”, hạn chế được rủi ro sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc, đổi trả hàng hóa cũng dễ dàng; cũng như được phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại…/.