Vì sao giá thành sản xuất cao hơn giá bán lẻ điện bình quân?

Mai Trang 17:30 | 10/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao, trong đó nổi bật là giá nhiên liệu đầu vào gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi.

 

Nhiều yếu tố khiến chi phí phát điện tăng cao

Chiều 10/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của các nhà quản lý, đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế, năng lượng. Tại toạ đàm, vấn đề nổi bật được nhiều người dân và chuyên gia quan tâm là cơ cấu giá thành, cách tính giá điện bán ra hiện nay, cùng với đó là quá trình xem xét, thẩm tra giá thành điện.

Đánh giá về cơ cấu chi phí giá phát điện hiện nay, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin: "Cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm các chi phí như chi phí phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối bán lẻ điện và chi phí phụ trợ quản lý ngành. Các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại Quyết định 05 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Chúng ta phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện. Ảnh: Báo Chính phủ

Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, phát động tiết kiệm điện tại EVN và các đơn vị thành viên, tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao".

Bất cập khi giá thành điện cao hơn giá bán lẻ điện bình quân 

Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc buộc phải huy động thêm nhiệt điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để bảo đảm đáp ứng đủ điện.

Giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển. Ảnh: Minh Huệ

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: "Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện".

"Do đó, sinh ra rất nhiều bất cập, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế", ông Thoả nhấn mạnh. 

Các chuyên gia cho rằng giá bán điện chưa theo kịp giá thành sản xuất điện đã khiến ngành điện không có nguồn lực để đầu tư, phát triển. Do đó cần phải tìm cách cho giá bán điện bám sát với giá thành sản xuất điện, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội.

Theo ông Thoả, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Vấn đề nữa là phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã có quy định căn cứ đầu vào thay đổi bao nhiêu trong khoảng 3 tháng thì EVN được phép điều chỉnh giá điện bao nhiêu phần trăm. 

"Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành",Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh. 

Còn theo ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc tiết kiệm và tối ưu hóa các chi phí của EVN là một trong những giải pháp được tính đến đầu tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, đồng thời thực hiện quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt, không chỉ EVN mà các tổ chức điện lực liên quan sẽ phải tiếp tục đầu tư không chỉ nguồn lưới điện mới đồng thời phải tu sửa, bảo dưỡng định kỳ các lưới điện hiện có.

Nếu cắt giảm các chi phí bảo dưỡng trong nhiều năm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của lưới điện, và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

"Nếu không kịp đầu tư các nguồn điện mới thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân mà còn có thể ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường đầu tư", đại diệnCục Điều tiết điện lực đánh giá. 

Phải cải cách giá điện

Từ các phân tích trên, TS Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất: "Tôi cho rằng kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì đã cho chúng ta định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng thì được điều chỉnh. Có nghĩa là giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý.

Khi đã có giá thành thì phải xác định đúng mục tiêu chính của việc điều hành giá điện trong mỗi một giai đoạn là gì, mục tiêu nào đặt lên hàng đầu. Mỗi một kỳ điều chỉnh phải xác định rõ mục tiêu điều chỉnh nhưng dù là mục tiêu gì đã theo cơ chế thị trường mà Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép. Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện. Riêng thực hiện những điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực. Lần này trong Luật Điện lực (sửa đổi), nguyên tắc điều hành giá như thế nào, căn cứ điều hành giá như thế nào, quy trình điều hành giá ra sao... phải rất mạch lạc, như vậy, với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện".

Đồng quan điểm với TS Thoả, TS Hà Đăng Sơn cho rằng căn cứ pháp lý chúng ta đã có, các chỉ đạo cụ thể của Nhà nước đã có, vấn đề ở đây là chúng ta vẫn chưa sử dụng các công cụ đã có trong tay vì vậy không nên nghĩ đến những điều mới. Trước mắt, những gì đã có cần làm trước, các động thái như sửa Luật Điện lực và đưa ra những cơ chế, chính sách mới, Chính phủ đều đã làm.

"Rõ ràng chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng tiến theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam. Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.

Trong trường hợp này, cũng có nhiều ý kiến về việc nguồn điện năng lượng tái tạo rẻ, tuy nhiên rẻ ở đây là chúng ta đang mua mà chưa tính đến những yếu tố vận hành, mới chỉ đơn thuần là phát điện và mức giá rẻ hơn so với điện than, điện khí. Tuy nhiên, nguồn điện gió, điện mặt trời có những yếu tố thách thức rất lớn về việc mất ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, biến động bất thường.

Nếu so giữa thủy điện với điện gió, điện mặt trời, tôi sẽ chọn thủy điện vì thủy điện ổn định hơn, điều tiết được và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, nguồn thủy điện của chúng ta gần như đã cạn kiệt, các dự án đầu tư mới đều là mở rộng những dự án thủy điện sẵn có. Vì vậy điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời có những ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm về bảo đảm an ninh năng lượng. Do đó, làm sao phải cân đối trong việc bảo đảm đủ điện và lợi ích của nhà đầu tư.

Trong trường hợp này, vai trò của EVN chính là làm sao bảo đảm được nguồn điện khi có những yếu tố biến động hay những yếu tố không kiểm soát được để bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất và an sinh xã hội. Còn những yếu tố khác liên quan đến kinh doanh phải để thị trường quyết định, để cho các doanh nghiệp tư nhân có những cơ hội đàm phán, điều chỉnh giá. Rõ ràng chúng ta hoàn toàn có thể bán điện cho người dân với những giờ khác nhau, giờ này có thể bán cao, giờ này có thể bán thấp.

Ngay trong câu chuyện điều chỉnh giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm và giá điện cũng như vậy, nhưng xu hướng chung của giá điện sẽ tăng lên. Với những chi phí ngày càng tăng như tỷ giá thay đổi, chi phí sản xuất, sắt thép xi măng, nhân công... tăng lên thì không thể nào có giá điện rẻ đi được.

Chúng ta cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư. Rõ ràng chỉ cần thiếu điện, mất điện trong một thời gian thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn", vị chuyên gia nói.