'Ngân hàng và bán lẻ sẽ dẫn dắt thị trường năm 2024'
Nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành ngân hàng
Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế vĩ mô khó khăn, các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ được đưa ra sẽ kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển.
Ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment đánh giá: Thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở giai đoạn tốt dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Điều này trái ngược với trong quá khứ.
Thường khi nền kinh tế vĩ mô khó khăn các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ được đưa ra. Các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển. TTCK không phải năm nay mới tăng mà đã tăng từ năm ngoái.
Dự báo ngành nghề có nhiều triển vọng dẫn dắt thị trường trong năm nay, ông Trung chia sẻ với phóng viên: “Tôi nghĩ ngành hưởng lợi lớn nhất, có thể dẫn dắt thị trường là ngân hàng".
Theo ông, có 3 yếu tố tác động. Đầu tiên là lãi suất huy động hạ xuống thì NIM tăng lên. Thứ 2 là với mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng sẽ tăng. Về bản chất, tín dụng tăng thì doanh thu ngân hàng sẽ tăng và thứ 3 là nợ xấu đang giảm xuống. Cùng với đó, ngân hàng đang là ngành có định giá thấp.
"Ngoài ngân hàng tôi thấy ngành bán lẻ cũng đang có định giá rất hấp dẫn”, CEO Passion Investment đưa ra nhận định.
Ông Trung cung cho rằng, hiện tại, VN-Index đang ở vùng định giá khá thấp, P/E dưới 15 lần, trong khi trước đó P/E toàn trên 20 lần. Lãi suất đang ở mức thấp nhất lịch sử, thấp hơn cả dịch Covid-19 và lãi suất còn tiếp tục đi xuống. Bên cạnh đó, các thị trường chứng khoán thế giới chứng khoán đều vượt đỉnh, VN-Index vẫn giậm chân tại chỗ. Thiên thời đang rất thuận lợi cho thị trường tăng trưởng. Năm nay là năm rất tốt để VN-Index quay lại gần đỉnh cũ, làm tiền đề cho đầu năm sau vượt đỉnh.
Trao đổi thêm với phóng viên về câu chuyện bảo mật thông tin và sự an toàn khi giao dịch trên thị trường, ông Trung cho biết vấn đề này ảnh hưởng khá nhiều đến thị trường.
"Trước giai đoạn 2020, các công ty chứng khoán ở Việt Nam khá bé, cả về vốn và số lượng nhà đầu tư. Nhưng sau khi Covid và nhất là giai đoạn bùng nổ, thị trường chứng khoán đột nhiên lớn lên rất nhiều. Thế nhưng việc tăng cường đầu tư cho hệ thống IT, bảo mật chưa theo kịp.
Tôi cho rằng sau sự việc này (Hệ thống giao dịch của chứng khoán VNDirect bị hacker tấn công - PV), các công ty chứng khoán sẽ ý thức được và tăng nguồn lực đầu tư vào bảo mật. Trong tương lai sẽ tốt cho TTCK nói chung".
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nguyên nhân từ đâu?
Việt Nam thu hút FDI hàng đầu khu vực nhưng dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán lại sụt giảm mạnh những năm gần đây. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu từ tháng 3/2023 đã bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng.
Đà bán ròng này đến từ vài nguyên nhân chính:
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn. Với khẩu vị đầu tư vào những công nghệ mới, Việt Nam gần như không có. Nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài chảy từ Trung Quốc sang Ấn độ, Nhật.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lo ngại một số vấn đề của Việt Nam không như kỳ vọng. Trong 2 tháng gần đây, rõ ràng có sự quan tâm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng rất cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Mặt khác, trên thị trường ETF tỷ trọng nhỏ, phần lớn các quỹ chủ động và đây mới là dòng tiền lớn vào thị trường Việt Nam.