Nhà máy 2.000 công nhân thông báo tháng 7 chạy hết các dây chuyền sản xuất và những tín hiệu tích cực đầu tiên
Anh Nguyễn Khái - công nhân của một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh quy mô khoảng 2.000 lao động tại Hưng Yên cho biết vừa nhận được thông báo sắp được tăng ca trở lại, tháng 7 tới đây sẽ chạy hết các máy trong dây chuyền sản xuất.
Hiện, anh vẫn đang nghỉ luân phiên và hưởng 70% lương cơ bản do đơn hàng xuất khẩu gần như không có, nhà máy chủ yếu sản xuất phục vụ trong nước.
Lao động dệt may, da giày bị ảnh hưởng lớn nhất
Tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm từng được đề cập đến từ cuối năm ngoái. Khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh đó là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm.
"Khác với tất cả các năm trước, đây là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác, năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng", đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói tại phiên hội thảothuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 hồi cuối tháng 12/2022.
Mới nhất, tại phiên chất vấn của Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, từ đầu năm đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc.
Nhóm lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng lớn nhất với hơn 68.700 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Nhóm lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) bị thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Đáng chú ý, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Những tín hiệu tích cực đầu tiên
Được thông báo lịch tăng ca trở lại, anh Khái cùng nhiều công nhân trong khu công nghiệp ở Hưng Yên bớt nỗi lo bị giảm giờ làm, hy vọng thu nhập quay trở lại mức như trước kia để trang trải cuộc sống, nuôi con nhỏ.
"Không phải tất cả mọi lĩnh vực đều hết việc. Dệt may, da giày có vẻ khó khăn hơn nhiều. Riêng các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện máy bay; sản xuất điều hòa vẫn nhiều việc, công nhân làm việc tăng ca như bình thường", anh nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Chế biến và Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Lyprodan tại Đồng Nai cho biết công ty đã bắt đầu nhận đơn hàng ngoại thất cho vụ mới, sản xuất từ tháng 6 để kịp giao từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau.
"Ngoài ra cũng có nhiều khách hỏi báo giá, mẫu mã, tín hiệu tích cực đã trở lại nhưng không thể mạnh như năm 2022”, ông nói và dự báo nửa cuối năm 2023 sẽ bớt khó khăn hơn với ngành gỗ, sang năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ cải thiện rõ rệt do doanh nghiệp đã có đơn hàng
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch CTCP gỗ An Cường cho biết tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2023 sẽ tích cực hơn rất nhiều do đã ký được hợp đồng lớn với đối tác Mỹ.
“Có một tập đoàn lớn đang mua hàng từ Đức và Italy với giá trị hàng trăm triệu USD, nhưng nay họ đang chuyển dần đơn hàng về An Cường vì chất lượng sản phẩm của chúng tôi tương tự mà giá lại rẻ hơn.
Đơn vị này cam kết sẽ mang về 10 triệu USD doanh thu cho An Cường trong năm nay và sang năm 2024 là khoảng 20 triệu USD. Hiện, An Cường đã ký được hợp đồng trị giá 5 triệu USD với khách hàng này”, ông Lê Đức Nghĩa nói.
Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 5 cũng cho thấy một vài tín hiệu khả quan đã xuất hiện, dù bức tranh tổng thể nền kinh tế còn khá yếu.
Xét trên số liệu, xuất khẩu và nhập khẩu tháng 5 so với cùng kỳ vẫn tăng trưởng âm nhưng đà giảm đã thu hẹp.
Trong khi đó nếu so sánh với tháng trước, xuất khẩu tăng nhẹ 0,6% và nhập khẩu tăng 3,3%. Trong tháng 4 cả hai lĩnh vực này đều tăng trưởng âm so với tháng 3 (xuất khẩu giảm 6,2% và nhập khẩu giảm 11%).
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm -11,5% trong đó do thủy sản (-28,5%), dệt may (-17,8%), điện thoại (-16%) hay điện tử (-10%). Điểm sáng là xuất khẩu nông sản với mức tăng trưởng đáng kể từ mặt hàng gạo (+52%) hay hàng rau quả (+32%).
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đối tác xuất khẩu rau củ lớn nhất là Trung Quốc hiện vẫn liên tục cấp thêm các loại mã số vùng trồng, mở rộng các mặt hàng nông sản từ Việt Nam. Yếu tố này sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là rau quả trong thời gian tới.
BVSC kỳ vọng các mặt hàng nông sản này sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn.
Một điểm tích cực khác là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 2,2% so với tháng trước. So sánh với cùng kỳ, tháng 4 và tháng 5, chỉ số IIP đều thoát mức tăng trưởng âm, lần lượt tăng nhẹ 0,5% và 0,1%.
Một khía cạnh tích cực khác trong bối cảnh bức tranh chung xấu phải nhắc đến là các chính sách hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế như Nghị định 08 cung cấp khung pháp lý cho việc kéo dài thời gian trả gốc và lãi trái phiếu (tối đa 2 năm) hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Mục đích của Nghị định nhằm giảm bớt gánh nặng thanh toán cho các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Chính sách quan trọng khác là Thông tư 02 với mục đích giúp kéo dài thời gian cho các ngân hàng trì hoãn việc nợ xấu gia tăng cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 24/2.
Thông tư cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến ngày 30/6/2024 với thời gian giãn nợ tối đa là 12 tháng trong khi vẫn giữ nguyên nhóm nợ; chi phí dự phòng sẽ được trích lập dần trong giai đoạn 2023-2024.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có ba lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều dự thảo quan trọng được thảo luận như Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng; dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhận định chung về nền kinh tế, trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho rằng số liệu vĩ mô chưa có sự cải thiện đáng kể trong tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, yếu tố tác động tích cực có thể đến từ các biện pháp hỗ trợ bổ sung từ Chính phủ hay doanh thu du lịch tốt hơn ước tính nhờ việc nới lỏng các quy định về thị thực sẽ giúp cho tốc độ giảm tốc đối với tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào hạn chế.
Các chuyên gia tại đây cho hay phải đợi sang nửa cuối năm 2023 mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất (chỉ khoảng 4,5 - 5%).
Theo góc nhìn của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dù bức tranh tổng thể chưa quá tích cực, nhưng tình hình sẽ được cải thiện nhiều vào nửa cuối năm nhờ, một trong những yếu tố góp phần là đầu tư công.
Thông thường đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn vào thời điểm nửa cuối năm khi các dự án đã đầy đủ thủ tục để tiến hành thi công. Với điều kiện thuận lợi là giá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt, trong khi sản xuất và bán lẻ không mấy khả quan, đầu tư công được kỳ vọng sẽ quay trở lại làm điểm tựa kích thích phát triển kinh tế.
Nhận định về đơn hàng xuất khẩu, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm, vì vậy đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.
"Tăng trưởng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ của Mỹ ở mức hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022, hiện ở mức khoảng 10% và có vẻ như sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 0% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa cuối năm. VinaCapital tin rằng điều này sẽ làm phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại cho các nhà máy FDI tại Việt Nam", ông Michael Kokalari đưa ra dự báo.