Nhận diện nguyên nhân chứng khoán có 1 năm biến động trong biên độ hẹp
Đây là góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) về diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua.
Kỳ vọng 1.200 là mức đáy
Theo SHS, VN-Index đã nhiều lần kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, tương ứng vùng vốn hóa toàn thị trường khoảng 62% GDP năm 2024. Đây là vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn của thị trường so với qui mô nền kinh tế khi tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5 - 7%.
Với những diễn biến hiện tại, cho thấy chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện dần sau thời gian dài tích lũy với nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá tương đối hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội tốt.
SHS cho rằng thị trường sẽ phân hóa mạnh. Ngoại trừ các yếu tố bất định mới, VN-Index được kỳ vọng tạo đáy ở vùng giá 1.200 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như hỗ trợ các đường xu hướng tăng trưởng trung dài hạn.
“Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Tỷ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt”, SHS khuyến nghị
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), trải qua gần 4 tháng giao dịch, VN-Index có lần đầu trượt xuống dưới mốc 1.200 điểm kể từ giai đoạn đầu tháng 8 trong tuần giao dịch qua (từ 18 - 22/11). Chỉ số đã hồi phục mạnh mẽ từ vùng giá này nhờ lực cầu bắt đáy.
Áp lực bán duy trì sự áp đảo trong 2 phiên đầu tuần kéo tâm lý giao dịch chạm đáy, chỉ báo RSI (chỉ báo này giúp các nhà đầu tư đánh giá xem liệu giá của một cổ phiếu đang tăng hay giảm) rơi xuống mức quá bán. Dòng tiền chỉ thực sự nhập cuộc một cách mạnh mẽ khi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm bị phá vỡ.
Chỉ số VN-Index trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Trong 2 phiên sau đó chỉ số tăng một mạch hơn 20 điểm, xua tan không khí ảm đạm trước đó.
Trên biểu đồ tuần, chỉ số VN-Index kết tuần với nến Doji (tên gọi của một mẫu hình nến trong phân tích kỹ thuật, mà trong đó phiên giao dịch tạo nên cây nến Doji có mức giá đóng cửa bằng với mức giá mở cửa) rút chân mạnh cho thấy sự tham gia trở lại từ phía cầu.
Đóng cửa tuần giao dịch từ 18 - 22/11, VN-Index ở mức 1.228,1 điểm, tăng 9,53 điểm (0,78%).Thanh khoản thị trường giảm 15,2% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 549 triệu cổ phiếu giảm 13,9% so với tuần giao dịch trước đó, tương đương 14.293 tỷ đồng, giảm 14,8% về giá trị giao dịch.
Tuần qua có 14/21 ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường và bật tăng mạnh trong tuần qua là các nhóm ngành như: Phân bón (tăng 4,39%), dược phẩm (tăng 2,07%), hàng không (tăng 1,93%)... Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (giảm 3,49%), hóa chất (giảm 2,94%), bất động sản khu công nghiệp giảm (2,15%)...
Khối ngoại bán ròng 5.198 tỷ đồng trên sàn HOSE. Thực tế, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 21 phiên liên tiếp trước khi mua ròng nhẹ trong phiên cuối tuần. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (1.509 tỷ đồng), SSI (719 tỷ đồng), HPG (542 tỷ đồng)
Theo CSI, xét trên biểu đồ tuần, xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế dù trong tuần qua, VN-Index đóng cửa tăng nhẹ, song thanh khoản tuần lại sụt giảm so với mức trung bình 20 tuần nên chưa mang nhiều tín hiệu xác nhận sự đảo chiều. Điểm tích cực trong tuần là VN-Index đã kiểm tra ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và bật tăng trở lại, cho thấy đây vẫn là một mốc hỗ trợ mạnh.
Tuy vậy, VN-Index vẫn chưa có tín hiệu xác nhận đáy nên cần thêm thời gian cũng như nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa.
CSI kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong kênh đi ngang 1.210 - 1.240 điểm trong tuần tới. Vì vậy các chuyên gia từ CSI vẫn khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng, chỉ tăng thêm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu đã có lợi nhuận khi VN-Index kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.210 điểm và căn bán chốt lời một phần danh mục khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự 1.240 điểm.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), trong phiên cuối tuần (22/11), VN-Index giằng co trước ngưỡng 1.230 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó, cho thấy lực bán đang gia tăng tại vùng giá hiện tại. Tuy nhiên, phần nhiều các chỉ báo kỹ thuật đang duy trì đà hồi phục từ vùng quá bán. Vì thế, trong thời gian tới, nhịp hồi phục được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, hướng đến vùng kháng cự 1.240 điểm.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) có góc nhìn thận trọng khi cho biết, quan sát diễn biến hồi phục của VN-Index từ ngày 20/11 đến nay, thanh khoản là vấn đề lo ngại nhất khi 2 phiên gần nhất dòng tiền vào thị trường đã suy yếu. Để chinh phục mốc kháng cự 1.230 điểm trong ngắn hạn, VN-Index cần có sự đồng thuận của dòng tiền và với diễn biến hiện tại khả năng chỉ số cần có nhịp tích lũy thêm.
Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Việt Nam) cho biết, tuy các tín hiệu vẫn cho thấy xu hướng tăng đã xuất hiện trên đồ thị giờ, nhưng vẫn cần thêm sự xác nhận về khối lượng trước khi mở lại các vị thế mới.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh trong tuần qua.
Chứng khoán thế giới thăng hoa
Chỉ số Dow Jones đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới trong phiên ngày 22/11, nối dài đà tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống ở cường quốc này.
Trong khi đó, đồng euro giảm giá so với đồng USD sau khi dữ liệu kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khiến nhà đầu tư thất vọng.
Cụ thể, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 44.296,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 5.969,34 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 19.003,65 điểm.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã xác lập kỷ lục hoặc gần ở mức kỷ lục kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng chương trình cắt giảm thuế và nới lỏng quy định của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc tăng thuế quan dự kiến.
Đồng USD cũng tiếp tục mạnh lên, cho thấy sự không chắc chắn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và đồng USD trở thành một tài sản "trú ẩn an toàn” trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.
Nhìn lại tuần qua, nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi thêm thông tin rõ ràng về chính sách của chính quyền sắp tới tại Mỹ, đặc biệt là liên quan đến thuế quan đánh vào hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc. Nỗi lo về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quay trở lại đã tạo áp lực lên thị trường.
Tại châu Á, chiều ngày 22/11, hầu hết cổ phiếu lên giá, theo đà phục hồi của thị trường Phố Wall và tác động tích cực từ hiện tượng tiền điện tử Bitcoin ngấp nghé ngưỡng 100.000 USD/BTC.
Trong phiên giao dịch chiều cuối tuần qua, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,7%, chủ yếu là nhờ các cổ phiếu công nghệ trong khu vực phục hồi sau đợt bán tháo ngày 21/11.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,68% lên ngưỡng 38.283,85 điểm. Điều này xảy ra sau khi số liệu lạm phát tháng 10/2024 được công bố cho thấy mức giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 2,3% và ngày càng tiệm cận với mức lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Số liệu kinh tế sẽ là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp chính sách của BoJ vào tháng 12 tới. Một số nhà đầu tư dự đoán các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản sẽ điều chỉnh lãi suất ngắn hạn tăng từ 0,25% lên 0,5% sau cuộc họp này.
Tại thị trường chứng khoán Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,77% lên 8.633,10 điểm. Còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,83% lên 2.501,24 điểm. Ngoài ra, phần lớn các chỉ số chứng khoán lớn khác của châu Á cũng thể hiện “sắc xanh”.
Chỉ duy nhất các thị trường tại Trung Quốc đi ngược với xu hướng này; trong đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 2,01% xuống còn 19.206,33 điểm và chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải bốc hơi 2,61%, dừng ở ngưỡng 3.282,57 điểm.