Nhân lực ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0

20:02 | 16/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt” được Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức vừa qua.

Một khảo sát của Vietnamworks đối với nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2013-2016, nhu cầu tuyển dụng tăng 2,5 lần. Xu hướng từ nay cho tới 2020 sẽ tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự khối ngành CNTT, tình trạng khan hiếm nhân sự sẽ diễn ra khốc liệt hơn hiện tại.

Tuy nhiên, một thực tế là sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp CNTT, khiến tình trạng khan hiếm nhân lực vốn đã thiếu người lại càng thiếu hơn bởi phải dành nhiều nguồn lực để chọn lọc hoặc đào tào lại. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy.

Sự thiếu hụt nhân sự không chỉ khiến doanh nghiệp loay hoay trong việc triển khai phát triển, mà còn dẫn tới tình trạng bất ổn định trên thị trường lao động bởi sự giành giật nhân sự một cách âm thầm giữa các doanh nghiệp. Sự bất ổn định đó nếu tiếp tục không được xử lý ổn thỏa có thể tiếp tục làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.

Đánh giá về vấn đề này, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay tỉ lệ trường ĐH, CĐ đào tạo CNTT chiếm 37,5%. Nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp có xu hướng tăng dần, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. nhân lực CNTT hiện nay có chất lượng đầu vào cao và tăng dần, chất lượng đào tạo được nâng lên, nhưng năng suất lao động chưa cao do hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thực hành.

Nhân lực ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 - ảnh 1
Nhân lực ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu của CMCN4.0.
Dẫn số liệu báo cáo từ các địa phương, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Trong khi đó, lao động ngành CNTT Việt Nam được đánh giá cao và tiềm năng (lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới - theo HackerRank, năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC).
Tuy nhiên Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhu cầu của cách mạng 4.0. Cụ thể, trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Trao đổi về giải pháp cho tình trạng này, tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt”, nhiều chuyên gia cho rằng: Cần tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để cải thiện chất lượng nhân lực CNTT trong bối cảnh hiện nay xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực CNTT ngay từ đầu. Đồng thời, doanh nghiệp cần trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ cho các cuộc thi học thuật, học bổng, cho sinh viên tham quan thực tập… Trong khi đó, nhà trường có vai trò đào tạo, tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Ghi nhận các ý kiến Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị: Trong cuộc đua cách mạng công nghệ lần thứ 4, chúng ta cần phát triển các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, đẩy mạnh thị trường CNTT nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển và xây dựng nguồn nhân lực với năng lực sáng tạo, trí tuệ cao, hướng chuẩn quốc tế. Để làm được việc đó, không chỉ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo mà cả các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT cũng cần bắt tay nhau, tạo mối liên kết ba bên chặt chẽ hơn để đào tạo và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng nhân sự, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt nâng cao mức độ sẵn sàng của Việt Nam với 4.0.