Nhân tố để doanh nghiệp nữ khởi nghiệp thành công

06:38 | 26/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong nhiều năm qua, với sự chủ động, sáng tạo, nhiều doanh nhân nữ đã điều hành doanh nghiệp đạt được kết quả ấn tượng.

Theo Báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), các doanh nghiệp nữ thường có quy mô vốn nhỏ hơn các doanh nghiệp nam, nhưng số này không nhiều. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tổng số tài sản chủ sở hữu của doanh nghiệp là nữ lại lớn hơn các doanh nghiệp do nam là chủ sở hữu, các doanh nghiệp nữ đầu tư nhiều hơn doanh nghiệp nam và có xu hướng ngày càng tăng.

Nhân tố để doanh nghiệp nữ khởi nghiệp thành công - ảnh 1
Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố và trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời" cho bà Mai Kiều Liên

Mới đây, trong khuôn khổ Women's Summit 2018 diễn ra ngày 18/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vinh danh bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc công ty sữa số 1 Việt Nam Vinamilk.

Được biết, bà Mai Kiều Liên đã lãnh đạo Vinamilk trong hơn 40 năm qua, đưa công ty trở thành một trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Vinamilk - Công ty sữa số một của Việt Nam xét theo doanh thu và lợi nhuận, được niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu luôn nằm trong nhóm cổ phiếu “ngôi sao” của sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa hiện ở mức hơn 10 tỉ USD. 2018 là năm thứ ba liên tiếp Vinamilk giữ ngôi vị quán quân thị trường chứng khoán về lợi nhuận.  Đồng thời, bà liên tiếp giữ các vị trí then chốt trong công ty, đặc biệt hai chức vụ quan trọng nhất là Chủ tịch và Tổng Giám đốc Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên còn là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nhân nữ hiện vẫn đang gặp phải những rào cản trong xã hội như: Định kiến về giới, về sự tham gia lãnh đạo doanh nghiệp của phụ nữ hay năng lực chuyên môn trong xã hội. Ngoài ra, một nhận thức mang tính truyền thống chưa dễ thay đổi đó là người phụ nữ thường gắn với công việc gia đình. Đây cũng là rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý trong các doanh nghiệp.

Đánh giá về vấn đề này, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0”, TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ, cho biết:  đến nay, vẫn chưa thống nhất được cả về lý luận và pháp lý đối với khái niệm “doanh nghiệp nữ”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân nữ cũng như của các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời gian vừa qua.

Nhân tố để doanh nghiệp nữ khởi nghiệp thành công - ảnh 2

TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viên Phụ nữ

Không những thế, phụ nữ đã tham gia lãnh đạo, làm chủ tại hơn 30% tổng số các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu của khu vực châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỉ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất. Sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của phụ nữ vào điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp đã dẫn đến những kết quả ấn tượng của các doanh nghiệp nữ trong sự tương quan so sánh với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ nhưng kết quả hoạt động về doanh thu, lợi nhuận, thu hút lao động, đóng góp ngân sách, suất đầu tư cho một việc làm đều có sự ngang bằng hoặc vượt trội. Qua đó khẳng định, phụ nữ hoàn toàn có đủ năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Hạnh, Học Viện phụ nữ Việt Nam: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sự phát triển đội ngũ doanh nhân nữ, doanh nghiệp nữ trong bối cảnh bình thường đã khó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 càng khó khi mà bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, họ vẫn đang gặp phải những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực khó thay đổi từ cả khách quan và chủ quan. Do vậy, để khởi nghiệp thành công doanh nhân nữ Việt Nam cần hội tụ 7 nhân tố: Mở rộng các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ gia đình, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, động lực thúc đẩy sự khởi nghiệp, niềm tin và dám mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và kiến thức về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các doanh nhân nữ muốn khởi nghiệp thành công trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần có kiến thức kỹ thuật công nghệ cao, có nền tảng kiến thức công nghệ thông tin tốt.

Mặt khác, nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng, nếu chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự “nỗ lực” của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong đó có việc tăng tỷ lệ doanh nghiệp nữ trong tổng số doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ.