Nhân vật đứng sau cuộc chính biến ở Myanmar là ai?

10:18 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mọi sự chú ý giờ đây được đổ dồn về quân đội Myanmar và Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Sau cuộc đảo chính năm 1962, quân đội đã cầm quyền ở Myanmar gần 50 năm. Là “kiến trúc sư” của Hiến pháp năm 2008, quân đội giữ vai trò lâu dài trong hệ thống chính trị Myanmar. Họ giữ 25% số ghế không qua bầu cử ở Quốc hội, và Tổng tư lệnh là người trực tiếp bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và biên giới.
 
Quân đội Myanmar vốn nổi tiếng kín đáo. Tuy nhiên, sau cuộc chính biến hôm 1/2, mọi sự chú ý lại được đổ dồn về quân đội Myanmar, đặc biệt là Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Dưới đây là một số ít thông tin về tướng Hlaing qua những thu thập của hãng thông tấn Reuters.
 
Nhân vật đứng sau cuộc chính biến ở Myanmar là ai?
Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Reuters

Thăng tiến chậm nhưng chắc

 
Trước khi tham gia binh nghiệp, tướng Min Aung Hlaing, 64 tuổi, là người ít quan tâm đến tình hình chính trị ở thời điểm ông học luật tại trường Đại học Yangon từ năm 1972 đến 1974. "Ông ấy là một người ít nói và thường giữ thái độ khiêm tốn", một người bạn học của ông Hlaing cho biết với Reuters vào năm 2016.
 
Ngoài việc học ở trường luật, ông Min Aung Hlaing mỗi năm còn kiên trì nộp đơn xin gia nhập Học viện Quốc phòng (DSA), trường quân sự hàng đầu ở Myanmar, và được trúng tuyển sau lần nộp đơn thứ 3 vào năm 1974.
 
Theo một học viên cùng lớp ở DSA, ông Hlaing ban đầu chỉ là một học viên bình thường, nhưng “đã được thăng chức một cách đều đặn và chậm rãi”. “Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ấy vượt trên cả cấp bậc sĩ quan hạng trung", người này cho biết.
 
Nhân vật đứng sau cuộc chính biến ở Myanmar là ai?
Tướng Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi vào tháng 12/2015. Ảnh: Reuters

Từ quân đội đến chính trường

 
Tướng Min Aung Hlaing trở thành Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar vào năm 2011, khi quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân chủ ở Myanmar bắt đầu.
 
Các nhà ngoại giao tại Yangon cho biết, ở thời điểm bà Aung San Suu Kyi mới bắt đầu nhiệm kỳ Cố vấn Nhà nước của mình từ năm 2016, ông Hlaing đã chuyển mình từ một người lính kín tiếng thành một chính trị gia và người của công chúng.
 
Bên cạnh đó, ông Hlaing còn sử dụng Facebook để công khai các hoạt động, cuộc họp với các quan chức hay những chuyến viếng thăm tới các tu viện. Trang cá nhân của ông thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, trước khi bị Facebook gỡ xuống năm 2017 vì những lý do nhạy cảm.

Theo Reuters, ông chưa bao giờ có dấu hiệu muốn từ bỏ 25% ghế trong quốc hội, và cũng không có ý định thay đổi bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp 2008, trong đó có việc ngăn cản bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống.
 
Tướng Min Aung Hlaing đã kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo quân đội của mình thêm 5 năm nữa vào tháng 2/2016. Động thái này khiến giới quan sát ngạc nhiên, vì họ dự đoán ông sẽ rút lui trong một cuộc cải tổ giới lãnh đạo quân đội diễn ra trong năm đó.

Theo VietNamNet