Nhân viên văn phòng thà nhận lương thấp còn hơn phải chấp nhận một vị sếp tồi
Ảnh hưởng một vị sếp tồi tới nhân viên
Dù làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, có một vị sếp tử tế cũng là ước mơ chung của tất cả các dân công sở, ngoại trừ một công việc tốt với mức lương ổn định. Nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh, nhiều người sẵn sàng nhận định rằng, thà nhận lương ít đi còn hơn làm việc dưới trướng của một lãnh đạo tồi.
Sếp tồi đồng nghĩa với việc anh chị em công sở nào cũng lấp đầy thân thể bằng những trận áp lực, những cơn stress lúc nào cũng được nung nấu dậy sóng từng đợt trong người. Sự hách dịch và xấu tính của người lãnh đạo thiếu kỹ năng có thể thể hiện trong mọi khía cạnh công việc.
Làm việc với sếp tồi khiến sức khỏe và cơ thể cứ dần trở nên kiệt quệ.
Nhiều nhân viên công sở còn ái ngại hơn cả là kiểu người có đam mê hội họp, sẵn sàng lôi nhân viên vào phòng họp để mắng mỏ, chê trách vài tiếng đồng hồ trong mấy ngày liên tục, từ chuyện nhỏ đến chuyện to, không biết thế nào là mệt. Nhân viên vừa phải gánh chịu áp lực vốn có, vừa lo lắng thêm vì không đủ thời gian để xử lý công việc.
Về lâu dài, bạn không chỉ ăn không ngon, ngủ không yên, mà sức khỏe và cơ thể cứ dần trở nên kiệt quệ, héo hon như một quả bóng xì hơi. Mỗi ngày thức dậy đi làm, cả người đều trở nên ì ạch, tâm lý chán nản, thậm chí có cảm giác như dạo một vòng quanh cánh cửa địa ngục.
Một số điển hình cơ bản của sếp tồi
Về định nghĩa sếp tồi là người như thế nào thì có rất nhiều, nhưng để mọi người có thể hình dung dễ dàng hơn, vài kiểu sếp tồi cơ bản được liệt kê dưới đây chính là điển hình khiến nhân viên văn phòng không còn muốn gắn bó với công ty nữa.
Kiểu số 1: Sợ vị trí của mình sẽ bị thay thế nên luôn muốn kìm kẹp nhân viên
Đây là kiểu lãnh đạo yếu kém phổ biến nhất có thể xuất hiện ở bất kỳ lĩnh vực hay môi trường văn phòng công sở nào. Sở dĩ họ lên được vị trí leader có thể nhờ vào thâm niên, quan hệ hoặc may mắn, nên không có đủ tự tin vào năng lực của bản thân (hoặc có khi là không có năng lực thật).
Đó chính là lý do khiến họ luôn e sợ sẽ bị người khác thay thế không giữ được vị trí của mình, nên luôn phải tìm cách trù dập nhân viên tài giỏi, kiểm soát khả năng phát triển mọi cá thể trong team. Ngay khi phát hiện ra ai đó có tiềm năng vượt trội, thậm chí còn sở hữu những kỹ năng giỏi hơn bản thân mình, sếp tồi này liền “yếu tim” và tìm cách sa thải nhanh chóng.
Kiểu số 2: Mang “mệnh hỏa”, lúc nào cũng như núi lửa chực trào, hừng hực cơn giận
Đối mặt với sai lầm của nhân viên, việc sếp tỏ ra nóng giận, trách phạt là chuyện thường tình vì sếp cũng là con người, có cảm xúc cá nhân, hỉ nộ ái ố như bao người khác. Ở một khía cạnh khác, trách phạt đúng còn giúp nhân viên càng ngày càng hoàn thiện hơn kỹ năng nghề nghiệp, kích thích quá trình phát triển năng lực của nhân viên văn phòng.
Tuy nhiên, với những người mang “mệnh hỏa” thì vấn đề nằm ở mức độ trở nên quan trọng hơn vì họ nóng giận quá thường xuyên, đôi khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, vặt vãnh. Sếp tồi sẵn sàng đốt cháy cả văn phòng bằng những lời chửi bới ỏm tỏi, công kích nhân viên một cách thậm tệ mà không để ý tới hoàn cảnh và thời điểm.
Điều này chẳng những không giúp nhân viên phát triển hơn, nhìn nhận được sai lầm của bản thân để cải thiện mà còn đem tới tác dụng ngược, khiến họ chán nản với công việc, đánh mất động lực và tâm lý muốn cống hiến.
Kiểu số 3: Câu nệ đến từng tiểu tiết và cầu toàn thái quá
Mọi dân công sở, bao gồm cả người lãnh đạo, đều cần có một đức tính tốt vô cùng quan trọng, đó chính là tỉ mỉ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở mức độ mà mọi người tạo ra áp lực lên một cá nhân như thế nào. Nếu sếp cầu toàn thái quá và câu nệ đến từng tiểu tiết trong mọi sự việc thì rất khó để nhân viên có thể đáp ứng toàn bộ. Theo đó, họ sẽ dần cảm thấy áp lực và mệt mỏi.
Tính cách này cũng khiến nhân viên nhìn nhận sếp như một người độc đoán, không dễ dàng đặt lòng tin cho nhân sự của mình. Lúc nào bạn cũng phải làm việc trong tâm thế có người sẽ “săm soi, xét nét” từng chi tiết, mọi hành động của mình thì mấy ai có thể thoải mái khi làm việc?
Kiểu số 4: Tạo áp lực cho nhân viên bằng đam mê “phạt tiền”
Thực chất, hầu hết mọi người làm việc đều vì một nguyên nhân sau cuối đó là lương thưởng và chế độ phúc lợi của công ty. Điều này không chỉ quyết định một nhân viên có gắn bó lâu dài với công ty hay không mà còn thay đổi tâm lý cầu tiến, muốn phát triển của họ trong tương lai.
Nếu người lãnh đạo lấy tài chính là nhược điểm của mọi người, thích dùng tiền để tạo áp lực và kiểm soát nhân viên, xem việc trách phạt trực tiếp vào thương tháng là đam mê thì ở một khía cạnh khác, động thái này càng chứng tỏ sự thiếu khả năng trong việc quản lý nhân viên.
Vì lời nói ra không có trọng lượng và sức nặng, không được mọi người tin phục nên họ buộc phải áp dụng slogan “mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt”, dùng các quy định xử phạt nặng tay làm đường hướng quản lý nhân sự của mình.
Làm việc với những kiểu sếp tồi này, ai cũng luôn sống trong sự lo lắng đề phòng vì không biết lúc nào sẽ bị trừ lương và trừ bao nhiêu. Công sức làm việc suốt cả tháng trời mà khi nhận về chẳng được bao nhiêu ắt hẳn là điều mà không ai muốn trông thấy.
Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp của lãnh đạo: Làm sếp phải nói sao cho “vừa có tâm, vừa có tầm”
Phương Thúy