Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 3,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020

15:46 | 03/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 10 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt 65,61 tỷ USD, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 10 và 10 tháng của năm 2020, hàng hóa Trung Quốc, trong đó phần lớn là hàng nguyên vật liệu từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn so với trước đây.
 

Bất chấp đại dịch, hàng Trung Quốc vẫn đều đặn nhập khẩu vào Việt Nam

Cụ thể, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam chi hơn 65,5 tỷ USD nhập hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 3,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10, hàng hóa Trung Quốc đổ về Việt Nam nhiều hơn gần 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
 
Các hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất từ Trung Quốc về Việt Nam tập trung vào máy móc, công nghệ và vật liệu như máy vi tính, linh kiện, điện tử; máy móc, thiết bị và phụ tùng; vải may mặc các loại và điện thoại cùng linh kiện.
 
Hai loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam là máy vi tính, linh kiện, điện tử đạt 14 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp 50% so với năm 2018. Sản phẩm máy móc, thiết bị và phụ tùng cũng tăng khá mạnh đạt 13,1 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 3,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
 
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 3,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020 - ảnh 1
 
Trong khi đó, 2 mặt hàng nhập khẩu nhiều tỷ USD là vải và điện thoại linh kiện nhập khẩu về Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Cụ thể, vải các loại nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 5,8 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và bằng với kim ngạch của cùng kỳ năm 2018.
 
Các mặt hàng như điện thoại và linh kiện điện thoại Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, giảm hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
 
Việc mặt hàng máy móc, thiết bị phụ tùng và linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng về Việt Nam cho thấy nhu cầu loại vật liệu này đang rất lớn tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về để gia công, lắp ráp máy móc.
 

Cơ hội nào giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn nhập siêu ở thị trường Trung Quốc dù đã cố gắng cải thiện, cân bằng. Nhưng thay vì nhập khẩu các loại hàng hóa thô sơ, qua sơ chế, máy móc, hiện nay Việt Nam gia tăng nhập khẩu các mặt hàng là thiết bị, linh kiện cho các ngành lắp ráp thiết bị điện tử, ti vi, điện thoại, thiết bị điện lạnh... Điều này gây lo ngại cho việc Việt Nam tham gia Hiệp định RCEP có thể sẽ khiến nhiều ngành, lĩnh vực phụ thuộc vào nhập khẩu của Trung Quốc.

Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc luôn là vấn đề đáng lo ngại. Vì hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp cứ “miệt mài” tràn vào Việt Nam khiến nền công nghiệp trong nước hoàn toàn phụ thuộc, cạnh tranh bị thất thế, đặc biệt là các ngành phụ trợ. Khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam ồ ạt cũng có nghĩa chúng ta chấp nhận thua ngay trên sân nhà. Nhiều ý kiến cho rằng, khi xảy ra đại dịch Covid -19, Việt Nam nên coi là cơ hội bứt phá, giảm lệ thuộc khi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị đứt gãy, từ đó bớt nhập siêu. Chúng ta nên tận dụng cơ hội này.
 
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 3,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020 - ảnh 2

Không chỉ có Việt Nam, rất nhiều nước đang phát triển coi đây là cơ hội, muốn tiếp nhận chuỗi giá trị ở vị trí tốt hơn. Ấn Độ và Indonesia đã nhận được hàng loạt dự án đầu tư lớn từ làn sóng chuyển dịch đầu tư rời Trung Quốc. Việt Nam ban đầu cũng được “nhòm ngó” nhưng nhìn chung chúng ta bị chậm mất một nhịp so với các nước cạnh tranh cùng phân khúc.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, hết tháng 9, vốn đầu tư của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đạt hơn 19,6 tỷ USD, vượt qua cả Hàn Quốc, Nhật Bản, đứng đầu vốn FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2020.
 
Vốn của Trung Quốc và các bên liên quan của nước này gấp 3 lần so với vốn của các nước phát triển từ EU như Đức, Pháp, Hà Lan, Anh vào Việt Nam, bất chấp Việt Nam ký kết với các đối tác này Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU (EVIPA).Việc gia tăng vốn, hàng hóa vào Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sự ảnh hưởng và muốn gắn chặt về kinh tế với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng với Trung Quốc nhất là trong bối cảnh RCEP đang được thành lập.

Nguyễn Dung(t/h)