Nhiều công ty chứng khoán báo dư nợ margin tăng hàng nghìn tỷ
Theo FiinTrade, trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán này đã tăng 28,4 nghìn tỷ đồng. Để so sánh, trong năm 2022, các công ty chứng khoán đã cắt gần 60,8 nghìn tỷ đồng cho vay margin tương đương khoảng 70% lượng margin được cấp mới trong năm 2021.
Với dư nợ cho vay margin tăng 20,5% so với quý trước, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE và HNX (chỉ tính khớp lệnh) trong quý II đã tăng mạnh 43%, chủ yếu tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID tăng 64,5% và vốn hóa nhỏ VNSML tăng 53%.
Thực tế báo cáo tài chính quý II của nhiều công ty chứng khoán đã cho thấy mức tăng dư nợ cho vay margin đáng kể (bảng dưới đây).
Theo thống kê của người viết tại 23 CTCK đã công bố BCTC đến nay (trong đó bao gồm các CTCK có dư nợ cho vay margin hàng đầu thị trường), chỉ có 4/23 đơn vị ghi nhận dư nợ cho vay margin giảm so với đầu năm, trong khi 18 đơn vị ghi nhận tăng và 1 đơn vị báo cho vay margin không thay đổi.
Đáng chú ý, 10/10 công ty chứng khoán có thị phần cho vay margin lớn nhất tại thống kê này đều ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng với tổng giá trị tăng lên tới 15.272 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 24% so với tổng dư nợ cho vay margin hồi đầu năm.
Nhiều công ty trong đó ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng tới hàng nghìn tỷ đồng, tiêu biểu như Chứng khoán VPS (tăng 4.314 tỷ đồng, tương ứng tăng 73%), Chứng khoán SSI (tăng 2.232 tỷ, tương ứng 20,5%), Chứng khoán BSI (tăng 1.331 tỷ đồng, tương ứng tăng 49,4%), Chứng khoán SHS (tăng 1.387 tỷ đồng, tương ứng tăng 60,5%), Chứng khoán MB (tăng 1.663 tỷ đồng, tương ứng tăng 47,6%), Chứng khoán Kỹ thương (tăng 1.446 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,3%)...
Dư nợ cho vay margin tăng mạnh trong quý II cũng đẩy tổng dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán lên cao. Theo đó, tính đến 30/6/2023, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đang dẫn đầu thị trường về dư nợ cho vay với hơn 15.041 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Xếp thứ hai là Chứng khoán SSI với dư nợ cho vay 13.439 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Đứng thứ ba là Chứng khoán VPS, ghi nhận gần 11 ngàn tỷ đồng dư nợ cho vay tính đến cuối quý II, tương ứng tăng 74% so với đầu năm.
Với dư nợ cho vay tăng mạnh, lãi vay và phải thu của các công ty chứng khoán trong kỳ cũng có xu hướng tăng so với quý I. Theo đó trong quý II vừa qua, TCBS là công ty chứng khoán ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu với 398 tỷ đồng, tiếp theo là Chứng khoán SSI (360 tỷ đồng) và Mirae Asset Việt Nam (337 tỷ đồng).
Theo nhận định của FiinTrade, diễn biến về dư nợ cho vay margin trong quý II xuất phát từ tâm lý giao dịch tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân khi các yếu tố tiêu cực đã diễn ra và được phản ánh vào các nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn trước đó. Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng gần 9,5 nghìn tỷ đồng trong quý II sau khi bán ròng với giá trị tương đương hồi quý I.
Cũng theo FiinTrade, tỷ lệ đòn bẩy tại thời điểm cuối tháng 6/2023 ở mức 7,4%, mức cao nhất trong 3 quý gần đây và cao hơn đáng kể so với tỷ lệ đòn bẩy tại thời điểm dư nợ cho vay margin đạt đỉnh (6,8%), nhưng không thực sự hàm ý rủi ro gia tăng. (Tỷ lệ đòn bẩy là hệ số giữa Dư nợ margin và Tổng giá trị vốn hóa tính theo free-float của các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX). Thực tế giá trị giao dịch tăng và nhà đầu tư cá nhân mua ròng cho thấy lượng margin tăng lên được “bơm” vào thị trường, thay vì bị rút ra ngoài như một số giai đoạn nóng trước đây.
Ngoài ra, tỷ lệ margin phổ biến ở mức 30%-50%, mức được coi là không quá rủi ro trước đó có lúc ở mức 3:7 giai đoạn cuối 2021, trong khi dư địa cho vay margin còn khá lớn và không xuất hiện tình trạng "căng" margin trên diện rộng ở các công ty chứng khoán.