Doanh nghiệp du lịch hậu COVID-19: Chuyển đổi số hoặc không tồn tại
Sau 2 tháng mở cửa hoàn toàn, du lịch Việt Nam đã đón nhận nhiều tín hiệu vui từ sự bùng nổ du khách nội địa. Tuy nhiên, để doanh nghiệp cùng toàn ngành du lịch thực sự hồi sinh và cất cánh, ngành du lịch Việt cần tận dụng chuyển đổi số để tự cứu lấy mình sau cơn bão COVID-19. Đó là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho Du lịch Việt Nam cất cánh, chuyên đề “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững”. Chương trình do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 18/5 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19, đồng thời cũng động lực cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
Hậu dịch COVID-19: Ngành du lịch phải chuyển đổi số để tự cứu chính mình
Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch trải qua những ngày đau đớn, nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số được chứng minh là tất yếu với mọi ngành nghề, trong đó có du lịch, nếu muốn phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai, nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ và chưa có sự thống nhất. "Nếu những năm trước, chuyển đổi số chỉ tập trung ở những doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt, mạnh tiềm lực tài chính, thì "sóng thần COVID" đã khiến ngành phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là không tồn tại", ông Phòng đặt vấn đề.
Dù đại dịch đã khiến "ngành du lịch không khói" lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, COVID-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch chuyển mình, như một cuộc lột xác để toàn ngành phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với thay đổi của thị trường. Trong khi đại dịch COVID-19 khiến du khách không thể đi du lịch, nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách hàng qua kênh số để tìm hiểu nhu cầu, tâm lý nhằm mang đến những dịch vụ phù hợp.
Nhiều sản phẩm chuyển đổi số cũng mang đến trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách như hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code giới thiệu điểm đến... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch, đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã thay đổi rõ nét, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp du lịch, các điểm đến; buộc các doanh nghiệp này phải liên tục tìm giải pháp thích ứng để tồn tại.
Trong xu hướng này, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số với mục tiêu hướng đến hệ sinh thái thông minh gắn kết các chủ thể, từ khách du lịch đến các nhà cung cấp dịch vụ, các cơ quan quản lý du lịch.
"Chuyển đổi số có thể mất vài năm nhưng không thể chậm hơn nữa", ông Phòng khẳng định.
Giải pháp xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, các nhiệm vụ chính được triển khai bao gồm: xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19”;
Năm 2021, Tổng cục Du lịch bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh. Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng hệ thống vé điện tử hiện đại để nâng cao năng lực quản lý cũng như cải thiện chất lượng đón và phục vụ khách tham quan; hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Đại diện Tổng cục Du lịch nhấn mạnh chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Theo đó, Tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình trình chính phủ; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số; đồng thời, đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Cùng với đó, ngành du lịch tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản gồm có: trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Các giải pháp tăng cường hợp tác trong ngành, đào tạo, đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp sáng tạo, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng sẽ được chú trọng.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch bày tỏ tin tưởng rằng với sự đồng thuận, nhất trí cao và quyết tâm lớn, trong thời gian tới toàn ngành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.