Nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó do COVID-19, xuất hiện trường hợp lỗ hơn 10.000 tỷ đồng

19:30 | 16/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc bao gồm những thông số đáng chú ý về sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2020.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của 807 DN, gồm 646 DNNN và 161 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là hơn 3,6 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

Tổng vốn Nhà nước đang rót vào những doanh nghiệp trên là 1.597.399 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,4 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là hơn 151 nghìn tỷ đồng.

Lãi phát sinh trước thuế vào khoảng 162.904 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 140.522 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019, chiếm 86% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DN. Tổng tiền phát sinh ngân sách phải nộp giảm 14% so với năm trước đó, ở mức 307.869 tỷ đồng. 

Đặc biệt, 119/807 DN (chiếm 15% tổng số DN) có lỗ phát sinh với con số 15.740 tỷ đồng; 169/807 DN (chiếm 21% tổng số DN) còn lỗ lũy kế là 33.750 tỷ đồng.

Kinh doanh gặp khó do đại dịch

Trong năm ngoái, do dịch COVID-19 bùng nên các doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm khoảng 12% doanh thu so với năm 2019. Một số công ty mẹ ghi nhận tổng doanh thu giảm trên 20% so với năm 2019 như: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giảm 56%; Tổng công ty Cà phê Việt Nam giảm 53%; Tổng công ty Du lịch Hà Nội giảm 46%; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn giảm 45%; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm 33%...

Tương tự là chỉ số lãi phát sinh trước thuế cũng giảm sâu so với năm 2019 ở một số đơn vị: Công ty mẹ - TĐ Dầu khí VN có lãi phát sinh trước thuế giảm 36%; Công ty mẹ - TĐ CN than – khoáng sản VN giảm 48%. Thậm chí như Công ty mẹ - TCT Quản lý bay VN có lãi phát sinh trước thuế giảm 99%.

Tổng công ty hàng không VN chứng kiến số lỗ phát sinh "khủng" trong báo cáo hợp nhất 

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn điều lệ chứng kiến 11 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế là hơn 11.400 tỷ đồng và 7 công ty mẹ còn thua lỗ với số lỗ lũy kế là hơn 6.000 tỷ đồng. 

Một số cái tên đáng chú ý như: Tập đoàn Hóa chất lỗ 5.392,8 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải lỗ 3.170,9 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt lỗ 1.257,3 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê lỗ 848,5 tỷ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 655 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 46,9 tỷ đồng,...

Tình trạng tương tự tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Tình hình cũng không khác biệt tại các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Báo cáo hợp nhất có 30/187 doanh nghiệp nhóm này (chiếm 16%) phát sinh lỗ, tăng 25% về số lượng so với năm 2019 với tổng số lỗ phát sinh là 12.003 tỷ đồng.

Tính riêng công ty mẹ, có 3 đơn vị lỗ phát sinh với giá trị là 9.032 tỷ đồng. Còn theo báo cáo hợp nhất ghi nhận một số doanh nghiệp NN có lỗ phát sinh lớn như: Tổng công ty Hàng không VN lỗ phát sinh 11.178 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VN (Đài truyền hình VN) lỗ phát sinh 265 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ phát sinh 210 tỷ đồng; Tổng công ty CP Xây dựng và công nghiệp VN lỗ phát sinh 154 tỷ đồng.

Một số đơn vị còn bị nêu tên bởi chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như: Công ty mẹ - TCT Cơ khí Xây dựng, nhà nước nắm giữ 98,76% vốn điều lệ (âm vốn chủ sở hữu 54 tỷ đồng), tăng 9% so với năm 2019. Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam, âm vốn 3.227 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.

Bài toán hóc búa về nợ khó đòi

Báo cáo cũng đặt ra vấn đề về nợ khó đòi của nhóm các doanh nghiệp có liên quan đến vốn Nhà nước. 

Những doanh nghiệp ghi nhận nợ phải thu khó đòi theo báo cáo hợp nhất lớn là: Tập đoàn Dầu khí (11.248 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (603 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất (498 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê (428 tỷ đồng)...

Một số doanh nghiệp mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức cao (trên 50%), như: Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (nợ phải thu 1.365 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản); Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 2.250 tỷ đồng, chiếm 63% tổng tài sản); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (nợ phải thu là 9.989 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản); Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nợ phải thu 2.512 tỷ đồng, bằng 56% tổng tài sản); Tổng công ty Thành An (nợ phải thu 1.018 tỷ đồng, chiếm 52% tổng tài sản)...

Nhìn tổng thể, con số về các khoản phải thu của các doanh nghiệp là là 473.929 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019. Nnợ phải thu khó ở mức 31.373 tỷ đồng, chiếm 7% tổng số các khoản phải thu và các doanh nghiệp đã trích lập dự phòng được 27.939 tỷ đồng để dự phòng phần giá trị tổn thất từ các khoản nợ phải thu khó đòi gây ra. 

Báo cáo tài chính hợp nhất của 73 doanh nghiệp Nhà nước gồm những TĐ, TCT công ty mẹ - công ty con cho thấy các đơn vị này có khoản phải thu 343.761 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ phải thu khó đòi tăng tới 45%, lên 22.619 tỷ đồng (chiếm 6% tổng số nợ phải thu).

 

Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý các DNNN thua lỗ

Đó là một trong những nội dung trọng tâm mà báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Sỹ Thanh gửi đến Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022 cho biết. 

Cơ quan này dự định thực hiện 168 cuộc kiểm toán trong năm tới, giảm số lượng so với kế hoạch năm nay.

Riêng với lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến có 17 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước, 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 7 ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng và tổ chức khác. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức có quy mô lớn đang được nhắm đến. 

Việc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước, kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả... Ngoài ra, KTNN cũng rà soát ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.