Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp rất cần nguồn vốn để duy trì sản xuất
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những tháng đầu năm đang giảm khá mạnh; trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản và lâm sản đều giảm gần 30% về mặt giá trị. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất trong nước vẫn cần phải được duy trì để đón cơ hội thị trường hồi phục. Do đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang rất cần nguồn vốn để duy trì sản xuất cũng như các chính sách được giãn trả nợ, giảm thuế, phí để có thể vượt qua khó khăn hiện nay.
Sau khi trả hết nợ cũ được vay để đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến nông sản, ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Cam Ta, tỉnh Hà Giang có nhu cầu vay tiếp để thu mua và đầu tư cho vùng nguyên liệu nhưng rất khó khăn.
Ông Nguyễn Việt Cường đã mang sổ đỏ nhà của gia đình thế chấp để vay vốn, nhưng sau khi ngân hàng thẩm định, tài sản ông thế chấp được xác định với giá trị rất thấp nên từ đầu năm đến nay ông vẫn không thể vay được vốn. Nhu cầu vốn cho đầu tư vùng nguyên liệu của chính bản thân cũng như để thu mua nguyên liệu khi vào vụ trái cây rất lớn, nhưng ông Cường không thể vay được vốn để có thể khai thác tối đa công suất nhà xưởng, giúp giảm chi phí sản xuất.
Việc đầu tư vào nông nghiệp tốn rất nhiều chí phí, nhất là đối với những doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi sản xuất. Nhưng việc tiếp cận vốn cho sản xuất nông nghiệp vẫn rất khó, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa như ông Cường.
Ngay cả với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, khi hàng tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Các doanh nghiệp thủy sản quan ngại không chỉ cho trước mắt, mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 nếu thị trường hồi phục mà nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng.
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản và bà con ngư dân để có cơ sở yên tâm duy trì các chuỗi cung ứng thì ngành thủy sản có nguy cơ mất vị thế nguồn cung cấp lớn và ổn định, thậm chí mất đối tác lớn, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho hay.
Trong hơn 6.200 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, có tới gần 87% là doanh nghiệp trong nước. Trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành luôn đạt 2 con số mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, quý I/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp muốn vay thêm hạn mức để duy trì sản xuất kinh doanh thường phải có tài sản thế chấp. Điều này sẽ khó với nhiều doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ hầu như không vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu có vay chỉ để chi trả các loại chi phí khác.
“Khi dòng tiền yếu, khó khăn thì doanh nghiệp mong muốn được ngân hàng giãn nợ, giúp doanh nghiệp tồn tại chờ tín hiệu phục hồi của thị trường”, ông Nguyễn Liêm cho hay.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty LD Woodland cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như đều phải chờ thị trường ấm lên. Giai đoạn này các doanh nghiệp phải bình tĩnh thích nghi hoặc tìm thêm hướng đi.
Ông Vũ Hải Bằng kỳ vọng, các cơ quan chức năng nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được chuyển nhóm nợ để hỗ trợ những doanh nghiệp bị tồn kho nhiều, không có dòng tiền thanh toán. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ cần chính sách điều hành tiền tệ như vậy.
Không chỉ mong có chính sách giãn nợ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ cũng mong muốn sớm được hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp đang còn chưa được thanh toán tiền thuế này gần 1 năm qua.
“Từ tháng 5/2022 đến nay, doanh nghiệp chưa nhận được đồng tiền hoàn thuế nào. Số tiền này đã lên tới trên 100 tỷ đồng. Trong khi xuất khẩu khó khăn, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp chỉ mong sớm nhận được số tiền của chính doanh nghiệp đã nộp để có thể trang trải trả lương cho công nhân”, bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty 12-11 Hạ Long giãi bày.
Ông Vũ Hải Bằng cũng cho rằng, chưa nói đến hỗ trợ cho doanh nghiệp mà chính nguồn tiền của doanh nghiệp đang bị ứ đọng bởi cơ quan thuế. Rất nhiều doanh nghiệp có hồ sơ còn tồn đọng chưa giải quyết được hoàn thuế thậm chí chậm từ 1 - 2 quý so với quy định.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang nỗ lực chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó tập trung vào tiêu chí là giá sản phẩm phải tốt; phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.
Để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023. Có chính sách cho doanh nghiệp được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm 2023.
Mới đây, Chính phủ đã có Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn chưa phải đóng ngay các loại thuế trên. Nhưng về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, bà Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị Chính phủ xem xét giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết năm 2023; nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.