Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng hai con số nhưng 'sức khoẻ' ngành sản xuất đã thực sự lạc quan?

Ngọc Bảo 13:18 | 09/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất ghi nhận doanh thu quý đầu năm tăng trưởng hai con số và kín đơn hàng đến hết quý II. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể lạc quan vì tăng trưởng cao chủ yếu do mức nền thấp của năm ngoái và sự phục hồi chưa thật bền vững.

Trong quý I, nhiều doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất đã tích cực hơn khi thị trường xuất khẩu sôi động hơn trước khiến doanh thu tăng cao.

Thị trường sôi động hơn

 

Hoạt động trong lĩnh vực điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết đơn hàng liên tục đổ về những tháng đầu năm khiến doanh nghiệp đã phải tuyển thêm khoảng 25 lao động để đáp ứng thời gian giao hàng.

"Kết thúc quý I, doanh thu của chúng tôi tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ đến hết năm nay vì tình hình mới chỉ tạm thời bớt khó khăn”, ông Dương nói.

Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tương tự, trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, tổng doanh thu trong quý đầu năm đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ, đạt 25,07% kế hoạch năm 2024.

Để đạt kết quả này, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động, thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng. Đầu tư nguồn lực cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp,  thời gian giao hàng nhanh...

"Mục tiêu là tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm giữ chân lao động", ông Việt nhấn mạnh.

Những tín hiệu này cùng nhịp với con số từ Tổng cục Thống kê khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng trở lại như: Dệt tăng 14,6%; sản xuất trang phục tăng 3,7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,4%.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt trong quý I song theo các chuyên gia mức tăng cao này chủ yếu là do mức nền thấp của năm ngoái.

Tăng trưởng chủ yếu do mức nền thấp

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I năm 2023 giảm. Do đó, tốc độ tăng trưởng quý I năm nay chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19) và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch COVID-19.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I giai đoạn 2020 - 2024. Đơn vị: %. (Nguồn: TCKT - Nguyễn Ngọc tổng hợp).

Đáng lưu ý, một số địa phương có mức tăng IIP thấp hoặc giảm lại là những "thủ phủ" sản xuất công nghiệp trọng điểm như: Bắc Ninh giảm 8,7%, Quảng Nam giảm 2,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,2%; Hà Nội tăng 3,6%; Bình Dương tăng 3,9%; TP HCM và Đồng Nai cùng tăng 5,1%;.

“Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I năm 2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm),cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ chuyển biến còn chậm và chưa thực sự khởi sắc”, bà Nga đánh giá.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trước đại dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam với chỉ số IIP trên 10%.

Song, từ năm 2022 đến nay, chỉ số số này trong quý I các năm 2020 - 2024 đều chỉ tăng (lần lượt là 5,6%; 5,7%; 6,8%; 5,7%), thậm chí là âm trong quý I/2023 (-2,6%) do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

 

"Vì vậy, hiện ngành sản xuất công nghiệp chỉ có đóng góp nhỏ cho tăng trưởng chung của kinh tế", ông Cung nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%, trong đó nhiều đối tác lớn của Việt Nam không có nhiều cải thiện hơn so với năm 2023 và sẽ có nhiều bất ổn không thể lường trước.

“Những bất ổn này sẽ tác động đến kinh tế thế giới, làm giảm nhu cầu nhập khẩu, từ đó tác động bất lợi đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam”, ông Cung quan ngại.

Nêu giải pháp hỗ trợ ngành sản xuất công nghiệp, vị chuyên gia này cho biết trong giai đoạn khó khăn thì mức độ hỗ trợ của Chính phủ phải nhiều hơn, đặc biệt là về tài khóa để tăng nhu cầu về đầu tư, nhu cầu về tín dụng để nền kinh tế có thể vận hành. 

Để tăng trưởng bền vững, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể, ở góc độ sản xuất, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày…

Đồng thời, cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý II, quý III.

Thực hiện các phương án ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu; và Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.

Ở góc độ thị trường, đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cũng cho rằng cần tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.