Nhiều doanh nghiệp xin hoãn nộp báo cáo kiểm toán, vì sao Ủy ban Chứng khoán không đồng ý?
Loạt doanh nghiệp bị từ chối
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới đây đã ra công văn về việc không chấp thuận đề nghị hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết: Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã: POM), Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) và CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX).
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đại chúng phải công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất vào ngày 31/3/2023.
Thép Pomina cho biết công ty không thể nộp báo cáo đúng hạn do phía công ty kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ các xác nhận từ nhà cung cấp nước ngoài. Vì vậy, Pomina đề nghị UBCK cho phép gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đến ngày 10/4.
UBCK không đồng ý với đề nghị gia hạn của Thép Pomina vì lý do mà công ty đưa ra không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thực tế đến ngày hôm nay 11/4, tức đã sau hạn chót do chính Pomina đưa ra, công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2022. Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng có nhiều đối tác nước ngoài và có quy mô lớn hơn nhiều so với Pomina như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) hay Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đều đã công bố đúng hạn các báo cáo tài chính.
Trích Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính:
Điều 8. Tạm hoãn công bố thông tin
“1. Đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác. Đối tượng công bố thông tin phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về việc tạm hoãn công bố thông tin ngay khi xảy ra sự kiện (trong đó nêu rõ lý do của việc tạm hoãn công bố thông tin), đồng thời công bố về việc tạm hoãn công bố thông tin.
2. Ngay sau khi đã khắc phục được tình trạng bất khả kháng, đối tượng công bố thông tin có trách nhiệm công bố đầy đủ các thông tin mà trước đó chưa công bố theo quy định pháp luật.”
Điều 10: Công bố thông tin định kỳ
Điểm c, Khoản 1: “Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán, nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.”
Thép Pomina là doanh nghiệp có "truyền thống" chậm công bố thông tin định kỳ. Công ty từng xin gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2021 đến ngày 11/4/2022 vì lý do bất khả kháng là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ủy ban Chứng khoán đã chấp thuận đề nghị gia hạn này, nhưng đến ngày 11/4/2022 công ty vẫn chưa nộp báo cáo và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) phải ra công văn nhắc nhở.
Cuối cùng, công ty nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 vào ngày 19/4/2022, chậm 19 ngày so với hạn chót theo quy định thông thường và chậm 8 ngày so với hạn chót do chính công ty đặt ra.
Trước đó, Thép Pomina cũng xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, 2019 hay thậm chí là năm 2018 khi chưa chịu ảnh hưởng của COVID-19.
Về phần Novaland (Mã: NVL), vào ngày 31/3/2023, ông lớn bất động sản này cho biết tập đoàn đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đang từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để thực hiện các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thêm các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của Novaland.
Vì vậy, tập đoàn này đề nghị được gia hạn thời gian công bố báo cáo kiểm toán dự kiến đến ngày 15/4/2023.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) cũng đề nghị được hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 đến ngày 20/5/2023, tức là quá 50 ngày so với hạn chót thông thường.
Văn bản ngày 31/3 của Hải Phát trình bày lý do: Từ những tháng cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ hậu quả của dịch COVID kéo dài và tác động từ chính sách, quy định pháp luật nói chung, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn suy thoái, mất thanh khoản. Hải Phát cũng như các công ty cùng ngành khác đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, không tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu, cơ cấu cổ đông và nhân sự quản lý cấp cao có nhiều thay đổi.
Trong bối cảnh đó, “chúng tôi buộc phải có những thay đổi để thích nghi với điều kiện thực tế và cần thêm thời gian để hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022", Hải Phát cho hay.
Ngày 6/1/2023, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Hải Phát đã ban hành nghị quyết về việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn việc thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.
Tuy nhiên, đại hội bất thường ngày 4/3 đã không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định do không đủ cổ đông tham dự. Do đó, việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của Hải Phát đã kéo dài hơn so với dự kiến.
Ngày 5/4 vừa qua, Hải Phát và Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính năm 2022. Trước đó vào hôm 31/3, Hải Phát đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Trọng Thiết.
Ủy ban Chứng khoán cho rằng các nguyên nhân mà Novaland và Hải Phát trình bày đều không phải là thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh hay các lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, UBCK không đồng ý cho hai doanh nghiệp này được hoãn nộp báo cáo tài chính, yêu cầu cả Novaland và Hải Phát phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.
Doanh nghiệp đề nghị tạm hoãn, UBCK chưa trả lời
Trong khi Thép Pomina và Novaland đề nghị gia hạn từ 31/3 đến giữa tháng 4 thì Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (Mã: IBC) lại muốn được hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán tới ngày 30/6/2023, tức ba tháng sau hạn chót thông thường và 6 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.
Văn bản của Apax Holdings cho biết doanh nghiệp này đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, công ty con là Anh ngữ Apax đang tái cấu trúc. Vì vậy, Apax Holdings chưa thể hoàn thành báo cáo kiểm toán theo thời hạn quy định.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đề nghị được hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đến ngày 10/4/2023, sau đó đã công bố báo cáo thông qua website vào ngày 10/4. Báo cáo kiểm toán cho thấy tổng tài sản tại ngày cuối năm ngoái là 68.037 tỷ đồng, tăng 890 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cũng đề nghị được gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán, nhưng không nêu hạn chót cụ thể. Đến hôm nay 11/4, Vietnam Airlines vẫn chưa hoàn thành báo cáo.
Cả Vietnam Airlines và Vietjet đều cho biết cần thêm thời gian để đối chiếu và xác nhận công nợ với các đối tác nước ngoài.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán chưa có văn bản trả lời đề nghị của Vietjet, Vietnam Airlines và Apax Holdings. Tháng 4 năm ngoái, Vietnam Airlines từng đề nghị được chậm nộp báo cáo tài chính quý I/2022 vì lý do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng UBCK không đồng ý khi vào giai đoạn đó, tình hình dịch bệnh đã lắng dịu.
Những điểm chung
Các doanh nghiệp đề nghị được hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đều có tình hình hoạt động kém khả quan.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV (chưa kiểm toán), Thép Pomina báo lỗ sau thuế kỷ lục 1.168 tỷ đồng trong năm 2022 khi ngành thép lao đao vì giá thép giảm, nhu cầu tiêu thụ thấp.
Tương tự, Vietjet báo lỗ kỷ lục 2.262 tỷ đồng trong năm vừa qua. Vietnam Airlines lỗ 10.369 tỷ đồng (số chưa kiểm toán), đánh dấu năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 đang âm 10.200 tỷ đồng, lỗ lũy kế 34.200 tỷ - tức là vượt xa vốn điều lệ thực góp.
Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020 quy định rõ: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả ba kịch bản hủy niêm yết kể trên. Sau khi báo cáo tài chính kiểm toán được công bố, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.
Cả Novaland và Hải Phát đều gặp phải những khó khăn chung của ngành bất động sản sau hàng loạt biến cố tại Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu biến động tiêu cực, .... Cổ phiếu NVL và HPX từng có chuỗi giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp vào tháng 11/2022, khiến hàng loạt cổ đông lớn và lãnh đạo bị bán giải chấp.
Apax Holdings của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) thì đang vướng lùm xùm về việc thu tiền học phí tiếng Anh của nhiều gia đình nhưng không mở lớp giảng dạy, hiện đang bị các phụ huynh đòi tiền. Ông Thủy ước tính số học phí cần hoàn trả là khoảng 100 tỷ đồng.